Trăn trở cùng bà con thôn 6 xã An Vinh. Thôn 6 xã An Vinh, có lẽ là một trong số rất ít của khu vực dân cư vùng núi cao huyện An Lão. Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn đến ngôi làng này, mất gần 4 tiếng đồng hồ đi xe ô tô, với trên 151Km.
Rừng keo ước mơ của người dân thôn 6 xã An Vinh. |
Phải qua bao dốc cao, suối sâu. Có lúc xe lên dốc cao, tài xế bảo: Dốc cao đến nỗi không nhìn thấy đường trước đầu ca-bin xe ô tô! Cái hay và thấy được nhất có lẽ là con đường bê-tông xi măng từ trung tâm cụm xã đến tận khu vực dân của ngôi làng này! Thử nghĩ, nếu không có con đường này, thì sự vất vả, khó khăn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số người H're ở đây khỏi phải nói. Mặc dù nay đã có con đường thông thương, nhưng giá cả vẫn chênh lệch giữa xã với khu vực dân cư nơi đây. Gặp một người dân đang lột vỏ trái cau, tôi hỏi: Chị bán bao nhiêu một ký vậy? Ở đây là bốn ngàn rưởi. Dưới kia năm ngàn. Chị trả lời. Không chỉ có trái cau! Kể cả các loại khác như: Đót (làm chổi), con nghé...cũng rẻ hơn nơi khác. Nói vậy thôi, nhưng điều chúng tôi trăn trở cùng bà con nơi đây, không phải những món hàng tranh thủ, khi rảnh rỗi như vậy. Bởi nhìn chung quanh, đời sống của bà con cũng còn vất vả! Nếu chỉ trông vào sản phẩm quá " nghèo nàn" dưới tán rừng, thì biết đến bao giờ đời sống của bà con nơi đây mới thoát nghèo được! Anh Đinh Văn Ngân, Trưởng thôn 6 cho biết: " toàn thôn có 49 hộ, với 161 nhân khẩu. Cả thôn có 4 ha ruộng nước. Ngoài ra, bà con còn tranh thủ tận dụng một số diện tích đất rừng nho nhỏ trồng keo, nhưng không đáng kể". Nhìn thấy xung quanh làng, đều có rằng keo cả, mà sao bà con mình không trồng. Đem thắc mắc này hỏi anh Đinh Văn Ka Rô, Phó Chủ tịch UBMT xã An Vinh, được anh cho biết: " không có đâu, cây của lâm trường hết đó. Đến mùa khai thác, người ta mướn mình đi làm cây. Mỗi ngày đâu hơn một trăm ngàn đó! " À ra thế! Chúng tôi cứ ngỡ với số diện tích xung quanh làng này mà trồng cây keo như vậy, thì làm gì mà đời sống của đồng bào ở đây nghèo được! Anh Ka Rô cho biết thêm:" Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, người dân đề nghị nhà nước cho lại đất để dân làm, nhưng có thấy đâu? Hôm trước có đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri cũng nói là ghi nhận, nhưng không biết bao giờ mới cho dân thoát nghèo được! "...Trước khi chia tay, Trưởng thôn cũng mời chúng tôi xuống cùng với làng 2 ghè rượu cần, 1 lít rượu trắng. Chúng tôi bảo không uống được, nhưng anh bảo, phong tục ở đây là vậy. Thôi thì vì tình cảm, nên mấy anh em chúng tôi cùng ngồi ngay sạp gỗ tại nhà Trưởng thôn. Mỗi người phải làm hết mấy " can" (canh mức uống), người có vẻ lâng lâng. Chia tay, trong bùi ngùi và tràn đầy cảm xúc. Không riêng gì ước muốn của người dân ở đây, mà ngay cả chúng tôi cũng thấy có điều gì đó chưa hay lắm. Người dân đã bao đời nay, giữ đất, giữ rừng. Nhưng khi cho sản xuất ngay trên mảnh đất của mình thì không được. Hiện nay, theo nhiều người cho biết, phát chỗ nào cũng là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cả! Tôi ước gì mình có phép mầu, sau một đêm có...tiền mua lại một số diện tích phát cho người dân tự quản, để vừa sản xuất, vừa quản lý, vừa giữ rừng. Xa hơn là biết đâu, từ đây sẽ không còn hai tiếng " thoát nghèo" nữa. Mỗi khi nhắc đến hai từ này, như là một " huyền thoại" xa xăm, hơn là hiện thực?!
Hoàng Phương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét