Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Phải làm gì khi bị người khác lừa mất tiền?

Tóm tắt câu hỏi:
Có 1 người quen của em (cũng chỉ quen sơ sơ) biết em đang có nhu cầu vay vốn đã tự tìm đến em để mời chào cho vay, nhưng trước khi nhận tiền (1 khoản 150 triệu) thì phải đặt trả phí môi giới là 7,5 triệu (đưa ngày 29/09/2013) hẹn muộn nhất là 01/10/2013 sẽ lấy được tiền vay nhưng đến bây giờ vẫn không lấy được. Gọi điện thì họ khất lần.

Vậy trong trường hợp này thì chắc chắn là có sự lừa đảo trong đó, em muốn hỏi là em muốn tố cáo người này về hành vi lừa đảo ra cơ quan Công an thì được không? Và thủ tục như thế nào? Nhờ anh chị giúp em vì em cũng không hiểu nhiều lắm về pháp luật. Thực sự em cũng rất bí tiền phải vay mượn mãi mới được 7,5 triệu đó mà bị lừa mất thì em không biết phải làm như thế nào.
Nhờ anh chị tư vấn giúp em thủ tục.
Luật sư tư vấn:
Điều 139 Bộ luật hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
[…]”
Điều 140 Bộ luật hình sự quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
 “Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
[…]”
Trong trường hợp này vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định ý định chiếm đoạt tài sản có trước hay có sau khi người bạn của bạn lấy được 7,5 triệu đồng từ bạn. Do vậy cần phải thu thập thêm nhiều thông tin nữa mới có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người đó về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp, giá trị tài sản mà bạn bị chiếm đoạt là 7.5 triệu đồng đã đủ để người có hành vi chiếm đoạt bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội trên. Chính vì thế, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn trình báo và gửi lên cơ quan công an cấp huyện nơi bạn cư trú và đơn sẽ được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đơn trình báo, bạn tường trình rõ sự việc xảy ra và có thể yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự. Nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra và tiến hành các hoạt động pháp lý cần thiết để giải quyết vụ việc.
Thời hạn giải quyết tin báo của bạn được quy định tại điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:
Điều 103. Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.
3. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.
Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.
4. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Chúc bạn sớm lấy lại được khoản tiền đã bị chiếm đoạt.
------------------------------
Chú ý: Bài viết trên có trích dẫn một số quan điểm pháp lý, các quy định của pháp luật, ý kiến tư vấn pháp lý của các chuyên gia, luật sư và chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên tất cả các ý kiến và quy định trích dẫn chỉ mang tính tham khảo. Các văn bản pháp luật được dẫn chiếu có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được thay thế tại thời điểm tham khảo bài viết. Bạn đọc tham khảo bài viết, người truy cập, khách hàng…không được coi đó là ý kiến pháp lý chính thức để vận dụng vào các trường hợp cụ thể. Để có được ý kiến pháp lý cho từng trường hợp một các chính xác nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH
715 Trần Hưng Đạo - Thành phố Quy Nhơn - Bình Định

 Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
 Trân trọng./.
Ông: Huỳnh Văn Chưa - Giám đốc Trung tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét