Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào RUBICLAW. Quý Công ty tư vấn giúp em vấn đề về đòi nợ tiền lương cty không thanh toán sau thôi việc của em. Tình trạng của em như sau: Trong thời gian làm việc cty không đóng bảo hiểm xã hội cho em.
Em bắt đầu thôi việc cty từ ngày 10/3/13 để tim kiếm công việc mới (giám đốc cty cũ đồng ý cho em thôi việc nhưng chưa ký đơn thôi việc của em), sau khi thôi việc em đã hỗ trợ cty trong việc bàn giao công việc cho người sau như yêu cầu công ty và đã hoàn thành nhưng cho đến hôm nay là 15/7/13 vẫn chưa thanh toán phần lương tháng 2 và 3 của 2013 cho em. Công ty cũ cứ đưa hết lý do này nọ và hẹn hết lần này lần khác rồi giao cho phó giám đốc giải quyết nhưng phó giám đốc và kế toán trưởng không giải quyết được, vì em còn công việc của em nhưng khi em thu sếp để lên giải quyết thì luôn cáo bận rồi đủ thứ lý do và kéo dài thời gian và ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em rất nhiều. Quý Công ty tư vấn giúp em làm cách nào để đòi được lương ( trước em cũng có mấy người bị như em và nản bỏ cuộc ) và nếu không giải quyết được thì em khởi kiện như thế nào và mẫu form khởi kiện ra sao. Quý Công ty giúp hộ em vì số tiền tháng 2 và 3 còn lại của em cũng nhiều. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ Quý Công ty. Xin Quý Công ty tư vấn giúp em.
Luật sư tư vấn:
Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Trường hợp của bạn là đã thôi việc với Công ty cũ, nhưng Công ty chưa thanh toán các khoản nợ lương cho bạn. Như vậy, công ty cũ của bạn đã vi phạm pháp luật lao động về quyền của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của bạn, bạn nên tiến hành những công việc sau:
1. Gửi đơn tới Công ty cũ của bạn, yêu cầu công ty thanh toán các khoản nợ lương cho bạn. Trong đơn yêu cầu ghi rõ thời hạn bao giờ Công ty phải thanh toán khoản nợ lương đó và nếu công ty không thanh toán thì bạn sẽ gửi đơn khởi kiện tới Tòa án.
2. Nếu sau khảng thời gian bạn gửi yêu cầu và hết thời hạn mà công ty cũ vẫn chưa thanh toán cho bạn về khoản nợ lương đó thì bạn sẽ gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp quận huyện thành phố thuộc tỉnh nơi Công ty đóng trụ sở.
Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi năm 2011 quy định:
“Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.”
3. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện (Mẫu kèm theo);
- Giấy chứng minh nhân dân (Bản sao chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (Bản sao chứng thực);
- Hợp đồng lao động đã ký với công ty (Bản sao);
- Bản thanh lý hợp đồng với Công ty (Bản sao)
- Các tài liệu liên quan đến bảng lương và các lần nhận lương (Bản sao)
4. Thủ tục nộp đơn khởi kiện
Quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi năm 2011.Cụ thể:
- Nộp đơn khởi kiện trực tiếp tới Tòa hoặc qua bưu điện đến Tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở.
- Tòa án xem xét hồ sơ có hợp lệ và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
- Nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ thụ lý vụ án.
- Thời gian chuẩn bị xét xử là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Thời gian mở phiên tòa là một tháng kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét