PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÔNG QUA TƯ VẤN PHÁP LUẬT
I. MỐI QUAN HỆ GIỮA PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT, HIỆU QUẢ CỦA VIỆC LỒNG GHÉP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Hiện nay, còn có nhiều cách tiếp cận và định nghĩa về “phổ biến, giáo dục pháp luật”, “tư vấn pháp luật” nhưng với cách hiểu thông thường nhất thì phổ biến, giáo dục pháp luật là việc truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp nhằm giúp cho đối tượng tác động hiểu và hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm, hành vi phù hợp với các đòi hỏi của các quy định pháp luật hiện hành; tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn xử sự đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý giúp cho các cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xét trên góc độ thuật ngữ cũng như từ thực tiễn hoạt động thì phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật được coi là một hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật1. Đặc trưng của hình thức này là thông qua việc giải đáp, hướng dẫn thực hiện pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý..., người tư vấn thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người được tư vấn nhằm giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật. Đồng thời, tư vấn pháp luật là quá trình phổ biến pháp luật. Thông qua thực hiện các công việc cụ thể của hoạt động tư vấn pháp luật đã hình thành quá trình hướng dẫn công dân, tổ chức nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành và phát huy ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật. Khi đó, mục đích chính của phổ biến, giáo dục pháp luật đồng thời cũng đạt được.
Tuy có mối quan hệ mật thiết, nhưng phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật có những điểm đặc thù so với phổ biến, giáo dục pháp luật thông thường. Trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông thường, đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật là số đông, đại trà, hoặc tuy có xác định đối tượng nhưng cũng chỉ là nhóm đối tượng dựa trên tiêu chí về đặc điểm nghề nghiệp, thành phần hoặc độ tuổi, dân tộc (ví dụ: nông dân, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc...). Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là những nội dung do chủ thể thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thấy cần phải trang bị, truyền đạt cho đối tượng. Kể cả trong trường hợp lựa chọn nội dung theo yêu cầu của đối tượng thì nội dung này vẫn mang tính chất chung để phù hợp với cả nhóm đối tượng đó (ví dụ: phổ biến quy định về quyền sử dụng đất cho nông dân. Đây là quy định phù hợp với nhóm đối tượng này, nhưng cũng không thể đáp ứng được yêu cầu thông tin cụ thể của từng người). Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật có những đặc thù về đối tượng và nội dung. Đặc trưng của đối tượng này là họ có mối quan tâm cũng như có các quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến một vấn đề pháp lý cụ thể. Do đó, họ có nhu cầu và mong muốn được biết và hiểu những quy định pháp luật liên quan đến vụ việc của họ. Các đối tượng này có tâm thế sẵn sàng tiếp thu việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình tư vấn pháp luật. Vì vậy, nội dung tư vấn và phổ biến, giáo dục pháp luật phải cụ thể, xuất phát từ nhu cầu và gắn liền với mối quan tâm của đối tượng.
Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật vào hoạt động tư vấn pháp luật sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả, ý nghĩa xã hội của hoạt động tư vấn pháp luật. Bởi vì, khi đó tư vấn pháp luật không chỉ phục vụ một người mà là phục vụ nhiều người cùng lúc. Kết quả là một lời khuyên đúng đắn không chỉ được áp dụng trong một trường hợp mà được nhân lên nhiều trường hợp, được sử dụng nhiều lần thay vì một lần. Hơn nữa, đây cũng là một cách thức hữu hiệu để thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hiệu quả của việc lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật có thể thấy rõ trên các mặt sau:
Thứ nhất, người thực hiện tư vấn pháp luật thường là luật sư, tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của các Trung tâm tư vấn, Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Do yêu cầu nghề nghiệp nên đội ngũ này đều có kỹ năng tư vấn và hiểu biết pháp luật một cách sâu rộng. Việc huy động và sử dụng đội ngũ này thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn kết hợp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ là “vốn” quý cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ hai, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật có tác dụng “thẩm thấu” sâu hơn so với việc phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính chất đại trà, hướng vào số đông. Đối tượng được tư vấn thường là một con người cụ thể có mối quan tâm hoặc có các quyền, lợi ích cụ thể liên quan đến nội dung tư vấn. Qua hoạt động tư vấn, họ được cung cấp, giải thích những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến vấn đề mà họ đang quan tâm; được hướng dẫn cách thức có thể hành động để thực hiện và bảo vệ quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Bằng cách đó, pháp luật đi vào nhận thức, tình cảm của từng người, từng gia đình, từng nhóm cá nhân một cách sâu sắc, có sức thuyết phục hơn.
Thứ ba, hoạt động tư vấn pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn có ý nghĩa “phòng ngừa” đối với những sai lệch pháp luật có thể xảy ra. Mục đích trực tiếp của phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật gắn liền với mục tiêu giúp cho người có nhu cầu tư vấn giải quyết được vấn đề pháp lý cụ thể của họ. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ở đây là trang bị cho người có yêu cầu có được hiểu biết về những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề của họ, hiểu rõ tình trạng pháp lý của họ trong sự việc cụ thể cũng như cách thức, con đường hợp pháp mà họ có thể sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hay thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của mình. Trên cơ sở đó, định hướng cho họ tự điều chỉnh hành vi, khuyến khích sự tích cực của cá nhân, tổ chức trong việc tìm kiếm và sử dụng những biện pháp, công cụ pháp luật thích hợp để giải quyết sự việc, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng đồng thời thực hiện đúng đắn các bổn phận, nghĩa vụ pháp lý của mình.
Thứ tư, hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật có thể thấy rõ qua hoạt động tư vấn pháp luật mà biểu hiện cụ thể là ở hành vi xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật do người được tư vấn pháp luật thực hiện trong tình huống cụ thể của mình. Hành vi đó là kết quả của sự thay đổi, nâng cao một bước nhận thức và tình cảm pháp luật đúng đắn dưới tác động phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, cá nhân tiến hành tư vấn pháp luật.
II. HƯỚNG DẪN LỒNG GHÉP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu về tư vấn pháp luật ngày càng phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động tư vấn pháp luật ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau. Cùng với hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư, Công ty luật), Trung tâm Trợ giúp pháp lý của nhà nước thì hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể là một kênh hỗ trợ pháp lý cho các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc giúp đỡ pháp lý cho thành viên của tổ chức mình và cho các đối tượng khác.
Theo quy định của pháp luật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Ngoài đối tượng được tư vấn miễn phí nêu trên, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác có yêu cầu tư vấn pháp luật.
Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập khi có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động, đồng thời Trung tâm phải có trụ sở làm việc.
Trung tâm tư vấn pháp luật được nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật. Phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm:
- Thực hiện tư vấn pháp luật;
- Cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật;
- Thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Ảnh minh hoa |
1. Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua thực hiện tư vấn pháp luật
Tư vấn pháp luật là hoạt động được thực hiện thường xuyên ở tất cả các Trung tâm tư vấn pháp luật. Tư vấn pháp luật là việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc tư vấn cho người có yêu cầu tư vấn.
Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng các hình thức:
- Tư vấn trực tiếp: thông qua ngôn ngữ giao tiếp hỏi - đáp trực tiếp (tư vấn miệng). Hình thức tư vấn trực tiếp có thể được thực hiện tại trụ sở của Trung tâm tư vấn, tại nhà riêng của người có yêu cầu tư vấn hoặc tư vấn lưu động.
- Tư vấn gián tiếp: thông qua văn bản (ví dụ: thư trả lời) hoặc thông qua phương tiện thông tin khác (ví dụ: báo, đài, Internet).
Cho dù được thực hiện dưới hình thức nào, hoạt động tư vấn pháp luật cũng bao gồm các bước sau: tiếp nhận yêu cầu tư vấn - yêu cầu người đề nghị tư vấn cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến vụ việc cần tư vấn (nếu cần) - nghiên cứu tài liệu, tra cứu các văn bản pháp luật liên quan - tư vấn cho người yêu cầu. Trong các bước nêu trên, tư vấn cho người yêu cầu chính là khâu cuối cùng của quá trình tư vấn. Đây cũng chính là giai đoạn người thực hiện tư vấn lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật cho người có yêu cầu. Dù tư vấn dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạch việc đưa ra lời giải đáp, lời khuyên, giải pháp, phương án... để trả lời các vấn đề vướng mắc của người đề nghị tư vấn, giúp người đề nghị tư vấn lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật và có lợi nhất cho mình, người tư vấn cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật (văn bản pháp luật, các quy định cụ thể...) liên quan đến vụ việc tư vấn để người đề nghị tư vấn có điều kiện tìm hiểu thêm, giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc của họ; bên cạnh đó, cũng cần giúp cho đối tượng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật đó. Nếu chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được mục đích của tư vấn, tức là trả lời yêu cầu của đối tượng tư vấn thì chưa đủ mà qua đó phải giúp họ hiểu được các quy định pháp luật, phổ biến, giải thích cho họ hiểu các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định cho họ (được làm gì, không được làm gì, tại sao...). Chỉ sau khi đã giúp cho đối tượng hiểu rõ những điều cần thiết đó thì việc tư vấn mới có tác dụng thật sự tích cực. Đó chính là vừa kết hợp việc tư vấn vừa phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, trong những trường hợp tư vấn trực tiếp thì không phải đến giai đoạn cuối cùng này của quá trình tư vấn, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đề nghị tư vấn mới được thực hiện mà ngay từ khi bắt đầu tiếp xúc, người thực hiện tư vấn đã có thể cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp pháp luật cho người đề nghị tư vấn.
Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn lưu động:
Tư vấn lưu động là một phương thức thực hiện của hình thức tư vấn trực tiếp. Đặc điểm của phương thức này là các Trung tâm tư vấn pháp luật chủ động tìm đến đối tượng tư vấn bằng cách tổ chức các đợt tư vấn lưu động về tận làng, xã, thôn, bản, cụm dân cư hoặc trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để giải quyết ngay tại chỗ những vướng mắc pháp luật của đối tượng tư vấn. Ưu điểm nổi bật của tư vấn lưu động là thu hút được nhiều đối tượng tham gia cùng một lúc tại một địa điểm.
Để lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tư vấn lưu động, Trung tâm tư vấn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nắm bắt nhu cầu tư vấn của đối tượng tư vấn và của nhân dân địa phương nơi dự định tổ chức tư vấn lưu động để chuẩn bị nội dung pháp luật cần phổ biến, tuyên truyền.
- Tại buổi tư vấn lưu động, Trung tâm có thể lựa chọn hoặc kết hợp thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật bằng một số hình thức dưới đây:
+ Tổ chức phổ biến, nói chuyện pháp luật: Trên cơ sở nội dung pháp luật đã chuẩn bị, Trung tâm tổ chức phổ biến pháp luật cho đối tượng tư vấn và nhân dân tham dự buổi tư vấn. Để việc phổ biến có kết quả, Trung tâm cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi dự định tiến hành tư vấn thông báo rõ nội dung buổi tư vấn, thời gian, địa điểm để thu hút những người có nhu cầu và những người quan tâm đến tham dự. Trong kế hoạch tổ chức buổi tư vấn cần lưu ý phân chia thời gian để đảm bảo thực hiện việc phổ biến pháp luật và tư vấn vụ việc cụ thể; phân công người chịu trách nhiệm phổ biến pháp luật (có thể là cán bộ của Trung tâm hoặc của cơ quan khác nhưng phải am hiểu nội dung pháp luật sẽ phổ biến và có khả năng thuyết trình). Việc phổ biến pháp luật nên được thực hiện trước khi tiến hành tư vấn đối với từng trường hợp cụ thể.
+ Tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh của địa phương hoặc phương tiện thông tin nội bộ của cơ quan, doanh nghiệp. Trung tâm nên phối hợp với bộ phận chức năng của địa phương hoặc cơ quan, doanh nghiệp (ví dụ phối hợp với cán bộ văn hóa hoặc cán bộ tư pháp của Ủy ban nhân dân cấp xã) để phổ biến nội dung pháp luật qua hệ thống truyền thanh. Việc này có thể thực hiện trước buổi tư vấn lưu động vài ngày để người dân địa phương (hoặc người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp) có điều kiện nắm bắt trước về những quy định pháp luật mà mình đang quan tâm. Khi đó, Trung tâm cần biên soạn tài liệu phổ biến pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu gửi trước cho bộ phận chức năng của địa phương hoặc cơ quan, doanh nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh của địa phương hoặc phương tiện thông tin nội bộ của cơ quan, doanh nghiệp vẫn có thể được tiếp tục thực hiện ngay trước khi tiến hành buổi tư vấn lưu động.
+ Phát các tài liệu, sách, tờ gấp có liên quan đến nội dung pháp luật dự kiến phổ biến hoặc những nội dung pháp luật gắn với đối tượng tư vấn (ví dụ: nếu thành phần tham dự chủ yếu là thanh niên, phụ nữ thì phát tài liệu phổ biến về Luật hôn nhân và gia đình; nếu địa phương đang nổi cộm về vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì phát tài liệu về Luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bồi thường khi thu hồi đất...). Các tài liệu này có thể do Trung tâm biên soạn, in ấn hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về tài liệu phổ biến pháp luật.
Khi tiến hành tư vấn cho từng đối tượng cụ thể, đối với những vướng mắc pháp luật mang tính phổ biến, điển hình (có nhiều người cùng hỏi) thì nên giải đáp chung để nhiều người cùng nghe.
2. Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia tố tụng
Bên cạnh việc tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật.
Tham gia tố tụng bao gồm rất nhiều thao tác khác nhau như: gặp gỡ, tiếp xúc với người được tư vấn và gia đình của họ; hướng dẫn, giúp đỡ người có yêu cầu tư vấn làm các thủ tục cần thiết để tham gia tố tụng cũng như cách thức làm việc với với các cơ quan và người tiến hành tố tụng; nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, thu thập chứng cứ, tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai tại Cơ quan điều tra, Việt kiểm sát (đối với các vụ việc hình sự), tham gia các buổi lấy lời khai, hòa giải tại Tòa án, tham dự phiên tòa...
Trong quá trình tham gia tố tụng, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng có yêu cầu, luật sư có điều kiện rất tốt để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người có yêu cầu, người đại diện hợp pháp của họ, những người có liên quan bằng việc truyền đạt, hướng dẫn, giải thích cho họ về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ phù hợp với tư cách của họ trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự; trình tự, thủ tục tiến hành tố tụng tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án... Hoạt động giúp đỡ pháp lý của luật sư chính là điều kiện hỗ trợ cho công dân, tổ chức sử dụng các công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tham gia tố tụng phải là sự cung cấp các thông tin pháp luật thiết thực nhất, định hướng cụ thể nhất cho hành động hợp lý của công dân, giúp họ sáng suốt và vững lòng tin hơn khi tham gia vào hoạt động tố tụng. Mục đích trực tiếp của phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia tố tụng là nhằm giúp cho đối tượng trực tiếp và đối tượng gián tiếp tham gia vào quá trình tố tụng hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn về những quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ việc, giúp họ hình thành ý thức và trách nhiệm pháp lý, từ đó định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
3. Một số vấn đề cần lưu ý khi lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật:
Như trên đã nêu, bản thân hoạt động tư vấn pháp luật là quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhưng để phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật đạt hiệu quả đòi hỏi phải có cách thức thực hiện phù hợp. Sau đây là một số vấn đề cần lưu ý:
- Tìm hiểu và có thông tin tương đối cụ thể về đối tượng có yêu cầu tư vấn, như nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, trình độ học vấn. Việc nắm bắt các thông tin này không chỉ phục vụ cho việc tư vấn hay thực hiện bào chữa, đại diện... mà còn giúp người tư vấn lựa chọn nội dung phổ biến pháp luật phù hợp với đối tượng tư vấn. Chẳng hạn, trình độ học vấn của đối tượng thấp thì nội dung pháp luật được truyền đạt phải thật cụ thể, đơn giản, dễ hiểu để phù hợp với mức độ hiểu biết của đối tượng, giúp họ dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện.
- Nội dung pháp luật được phổ biến, tuyên truyền phải là những quy định gắn liền với vụ việc yêu cầu tư vấn, bào chữa hay đại diện; có thể phổ biến thêm chính sách, pháp luật có liên quan nhưng không được quá rộng, lan man hoặc đưa ra những vấn đề chẳng có chút liên hệ với nội dung đang tư vấn, vì như vậy sẽ không có tác dụng.
- Thực hiện lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với thời gian, không gian, địa điểm thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật. Ví dụ: khi tư vấn pháp luật trong vài phút qua điện thoại thì rất khó có thể tuyên truyền pháp luật, khác với việc tư vấn hàng giờ tại trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật; hoặc các cuộc tư vấn cả ngày, cả buổi tại trụ sở doanh nghiệp; tư vấn tại thành phố, thị trấn sẽ không giống các cuộc tư vấn lưu động tại xã, thôn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUA HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Với đặc điểm của hoạt động tư vấn pháp luật, để nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động này, tổ chức tư vấn pháp luật cần quan tâm các vấn đề sau:
1. Xác định rõ trách nhiệm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật khi tiến hành hoạt động tư vấn pháp luật để các tư vấn viên, luật sư, cộng tác viên tham gia tích cực, tự nguyện và có trách nhiệm đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Phối hợp với cơ quan, cơ quan tư pháp địa phương để định kỳ bồi dưỡng cho các tư vấn viên, cộng tác viên của tổ chức tư vấn về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (kỹ năng tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng...) cũng như kỹ năng lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn pháp luật.
3. Học tập, trao đổi phương pháp, kinh nghiệm tốt về lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn.
4. Tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chức năng ở địa phương về nhân lực (ví dụ mời cán bộ của Sở Tư pháp tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại các buổi tư vấn lưu động), vật lực (kinh phí, tài liệu phổ biến, giáo dục PL).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét