Sinh ra và lớn lên ở một phường ven biển của thành phố, cũng như bao người khác chị cũng có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Mặc dù cuộc sống hàng ngày luôn đối mặt với nhiều khó khăn thiếu thốn. Bù lại, sự tháo vác của người cha cùng với tình thương yêu trìu mến của gia đình, nên trong nhà không bao giờ thiếu nụ cười. Tai họa ập đến, khi người cha ra đi để lại năm người con thơ dại với người mẹ ốm yếu. Thế là năm anh, chị em đứa lớn nhất khoảng mười ba, mười bốn tuổi phải vật lộn với biết bao khó khăn của cuộc sống. Người mẹ phải đem theo hai người em về quê sinh sống. Còn lại ba chị em nương tựa lẫn nhau qua ngày. Sau một ngày đêm sốt li bì, “người mẹ trẻ” không biết phải làm gì với đứa em đang đau bệnh. Nghe người ta nói: “Em mày, bị bệnh trái rạ!”, người chị cũng ngơ ngẩn. Sau vài ngày uống thuốc cơn sốt tạm dịu đi chút ít, nhưng sau đó, đôi mắt của đứa em gái tội nghiệp không còn nhìn thấy ánh sáng nữa!..Không đầu hàng số phận, mấy chị em lại bảo bọc nhau. Cuộc sống cứ thế dần trôi. Mỗi người đã có cuộc sống gia đình riêng. Người em mù lòa cũng “gá nghĩa” được một người chồng. Sau hai lần sinh có được ba đứa con. Chẳng giúp ích gì cho người vợ mù tội nghiệp, người chồng lại luôn say xỉn, đánh đập vợ con. Lúc thì ở nhà, lúc thì bỏ đi biền biệt! Bù lại, bà con xung quanh lối xóm bảo rằng: “ Con bé tội nghiệp. Tuy đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng nó đi lại, làm lụng như người thường, lại siêng năng, cần cù…”. Ngoài việc bán vé số, chị còn bán thêm một ít hàng rong. Nhờ bà con thương, nên bốn mẹ con cũng đoạn ngày. Thực hiện chỉnh trang đô thị, căn nhà nhỏ ọp ẹp nằm trong diện giải tỏa. Người em mù lòa cũng được dọn nhà đến ở một căn hộ tạm cư. Nhưng chờ đợi mãi, không thấy cấp Giấy chứng nhận. Có người bảo: “ Không có Giấy chứng nhận, nay mai nhà nước đòi lại, rồi ở đâu ? ”. Lo sợ, chị lại bảo đứa con gái đầu-khoảng năm sáu tuổi- dắt đi để hỏi cơ quan giải tỏa, tại sao không cấp Giấy chứng nhận. Thì ra, trong khi kê khai giải tỏa chị khai tên là Nguyễn Thị Tuyết Mai, nhưng khi đối chiếu với danh sách các hộ đã ở trước đây, thì ngôi nhà đang bị giải tỏa không có ai tên như vậy. Chỉ có tên Nguyễn Thị Kim Lanh. Nhưng cũng chỉ là tên trong tờ khai tạm trú. Trong người chị không có một loại giấy tờ tùy thân nào khác. Ba đứa con, đứa lớn khoảng năm sáu tuổi, hai đứa nhỏ cũng không có khai sinh, hộ khẩu…Nghe ai hướng dẫn, chỉ bảo chỗ nào chị cũng bảo đứa con gái nhỏ tội nghiệp dắt đi để làm giấy tờ. Đi nhiều lần, đến nhiều nơi nhưng nơi nào cũng không biết phải làm như thế nào cho phù hợp với tên Tuyết Mai hay tên Kim Lanh ! Cũng không biết phải làm sao cho có hộ khẩu, khai sinh cho các con… Thực ra, chị cũng chẳng cần đến cái hộ khẩu, hay khai sinh làm gì nếu không vướng vào cải giải tỏa này ! Không chỉ mỗi lần đi mất mấy chục ngàn tiền xe thồ, lại mất công ăn việc làm. Nghe có người bà con mách bảo: “ Tao nghe đài nói, chỗ trợ giúp pháp lý người ta làm được nhiều thứ lắm. Hay mày đến đó thử xem sao! ”. Mới sáng sớm, hai mẹ con đã dắt tay nhau đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Sau khi nghe chị trình bày, chúng tôi thấy việc này rất khó khăn, phức tạp. Khó khăn vì làm sao chứng minh được nguồn gốc của hai tên người hiện tại là một người chính chị. Phức tạp là vì chị không biết chữ, lại mù lòa…! Nếu chỉ thực hiện tư vấn bằng việc hướng dẫn chị tự xác minh và thực hiện các thủ tục hành chính về hộ tịch thì đơn giản vô cùng, nhưng có khác gì là đánh đố chị đâu ! Còn tiếp nhận thụ lý vụ việc thì phải làm gì trong trường hợp này? Để thực hiện TGPL có hiệu quả, hay nói đúng hơn là giúp cho người đàn bà mù lòa tội nghiệp này “nhận được những gì mình đã có” thì quả là khó khăn. Sau khi làm các thủ tục mà thực chất chỉ là viết giúp cho chị mẫu đơn có sẵn của Trung tâm, ngoài ra trong người chị không có một loại giấy tờ nào khác! Giám đốc Trung tâm phải quyết định cử một Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đại diện ngoài tố tụng. Trợ giúp viên thụ lý vụ việc phải đi về tận quê hương nơi sinh của chị, xác minh ở địa phương về trường hợp nhân thân của chị, sau đó về nơi ở hiện tại đối chiếu và cuối cùng phải làm giấy xác nhận của chính quyền địa phương ở hai nơi để thống nhất một tên cho chị. Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện vụ việc không chỉ bằng thủ tục giấy tờ mà còn là …uy tín của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và tâm huyết của người thực hiện TGPL. Khoảng gần một tháng sau, chúng tôi đã đem đến tận nhà chị Giấy chứng nhận khai sinh với cái tên đúng theo yêu cầu của chị. Không dừng lại ở đó, chị lại tiếp tục đề nghị chúng tôi giúp chị làm giùm cho các con chị Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu…cho cả gia đình!
Ảnh minh họa |
Cầm các loại giấy tờ trên tay, chị thật sự ngỡ ngàng. Chị lại được cấp Giấy chứng nhận căn nhà tạm cư! Rồi đây các con chị lại được đi học…!
Huỳnh Văn Chưa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét