Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Hỏi về nên làm thủ tục nhận cha cho con hay làm thủ tục nhận nuôi con nuôi

Tóm tắt câu hỏi:
Mình có con cùng chồng cũ. Do ngày xưa không có đăng ký hôn thú nên giấy khai sinh con lấy họ mẹ (và để trống tên cha). Giờ chồng cũ mình muốn nhận con mình làm con nuôi để tiện việc nhập quốc tịch nước ngoài (chồng cũ mình đã có quốc tịch Úc).

Vì hiện giờ theo luật thì chỉ có mình được quyền ủy quyền bảo hộ lẫn việc đi ở và thủ tục pháp lý ở Việt Nam. Mình muốn biết là nếu mình để Chồng cũ mình và vợ anh ấy nhận con mình làm con nuôi thì liệu việc con gái mình sau này có đi (nước ngoài), ở đâu, làm gì thì bên cha mẹ nuôi đồng ý là có thể giải quyết mà không cần thông qua mẹ ruột?
Mình thật sự không muốn con mình thiệt thòi. Nhưng mình vẫn muốn có sự gắn bó và ràng buộc để mình còn liên lạc và biết được con mình làm gì và ở đâu! Mình không có điều kiện tốt bằng bên chồng cũ, nên mình muốn để bên ấy lo cho con mình. Nhưng bên chồng cũ luôn muốn cắt đứt mối quan hệ giữa mình và con gái. 
Vậy có cách nào để sau này bé có đi học ở đâu, làm gì, thì cũng thông qua mình được không? Mình nên làm thủ tục cho nuôi con hay làm thủ tục nhận cha cho con?
     Luật sư tư vấn:
    Câu hỏi của bạn, luật sư xin tư vấn như sau:
   Trong trường hợp này chị nên để cha của cháu làm lại khai sinh có cả tên cha và tên mẹ theo quy định của pháp luật, nghĩa là làm thủ tục nhận cha cho con chứ không nên để cha cháu nhận làm con nuôi. Vì:
    Nếu chị để cha cháu nhận làm con nuôi: Theo Điều 24 luật nuôi con nuôi Việt Nam 2010 quy định thì :
    “1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.”

     Như vậy, về mặt pháp lí kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lí định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi, nếu như giữa cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ không có thỏa thuận gì khác. 
    Vì vậy, chị nên làm thủ tục nhận cha cho con. Bởi lẽ, khi làm thủ tục nhận cha cho con chị thì về mặt pháp lí chị vẫn là mẹ của cháu. Việc cha của cháu đưa cháu sang nước ngoài định cư thì chị vẫn có quyền và nghĩa vụ với con chị như theo quy định tại Chương IV Luật hôn nhân gia đình Việt Nam chứ không chấm dứt quan hệ như nhận nuôi con nuôi. Nhận cha cho con không làm chấm dứt sự ràng buộc với mẹ như vấn đề nhận con nuôi.
------------------------------
Chú ý: Bài viết trên có trích dẫn một số quan điểm pháp lý, các quy định của pháp luật, ý kiến tư vấn pháp lý của các chuyên gia, luật sư và chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên tất cả các ý kiến và quy định trích dẫn chỉ mang tính tham khảo. Các văn bản pháp luật được dẫn chiếu có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được thay thế tại thời điểm tham khảo bài viết. Bạn đọc tham khảo bài viết, người truy cập, khách hàng…không được coi đó là ý kiến pháp lý chính thức để vận dụng vào các trường hợp cụ thể. Để có được ý kiến pháp lý cho từng trường hợp một các chính xác nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH
715 Trần Hưng Đạo - Thành phố Quy Nhơn - Bình Định

 Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
 Trân trọng./.
Ông: Huỳnh Văn Chưa - Giám đốc Trung tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét