Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

CÂU LẠC BỘ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ HOÀI HẢI - CẦU NỐI PHÁP LUẬT VỚI NHÂN DÂN

          Hoài Hải là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của huyện Hoài Nhơn. Diện tích tự nhiên toàn xã có 14.500 ha, dân số 1.674 hộ với 7.378 người. Trong đó có 212 hộ nghèo. Do địa thế của xã nằm ở cuối huyện, thuộc vùng đất ven biển, toàn cát và đất sỏi, đá bạc màu, nên việc trồng trọt hầu như không đáng kể. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản là chính. Toàn xã có 235 thuyền với tổng công suất 12.002 CV, diện tích nuôi tôm 22,6 ha, chiếm 75,33% so với diện tích sản xuất toàn xã. Một số ít hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng số lượng không lớn. Một số ngành nghề trong vài năm trở lại đây đã bắt đầu có chiều hướng phát triển như: chế biến nước mắm, sản xuất đá lạnh phục vụ cho yêu cầu đánh bắt hải sản, may mặc… Tuy nhiên giá trị ban đầu còn thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2009 ước thực hiện chỉ đạt khoảng 500 triệu đồn. Với bức tranh tổng thể về kinh tế xã Hoài Hải như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Xác định được hạn chế này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã tăng cường công tác quản lý lãnh đạo, cùng với các đoàn thể ở địa phương ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Lãnh đạo xã còn tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa xã hội. Huy động 100% số học sinh trong độ tuổi ra lớp học, từ mẫu giáo, tiểu học, THCS. Tỷ lệ học sinh khá giỏi của các cấp học, bậc học có chiều hướng tăng dần. Năm học 2008-2009 học sinh tiểu học lên lớp thẳng đạt 97,32%  tăng 6,09%, học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình bậc THCS đạt 94,32% tăng 5,2% so với năm học trước. Các chương trình y tế quốc gia đều đạt 100%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thanh cơ sở được tổ chức và thực hiện đều đặn…Là một xã vùng ven biển, để đạt được những thành tích trên có thể nói rằng hiệu quả lãnh đạo của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở Hoài Hải đã được chính những con người Hoài Hải tự đoàn kết vươn lên. Sự hỗ trợ tích cực của cấp trên chỉ là động lực. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là nhận thức về pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tuy có quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao. Do địa thế của địa phương, nên sự giao lưu giữa các luồng văn hóa, xã hội, luật pháp… không được thông thương. Điều đó, dễ dẫn đến hệ quả tiêu cực. Một khi có vấn đề gì đó liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, việc tìm hiểu chủ trương, chính sách pháp luật thường mang tính chủ quan, phiên diện. Phần nào có lợi cho mình thì đòi hỏi, còn nghĩa vụ không nói tới…Bên cạnh đó chính quyền địa phương không kịp thời giải thích cho “thấu lý, đạt tình”, làm cho người dân thiếu tin, dẫn đến vướng mắc. Bà Đinh Thị Q.M và một số người dân ở thôn Diêu Quang thắc mắc: “ Nhà nước hỗ trợ không công bằng đối với các hộ gia đình sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở di dời đến khu tái định cư xã Hoài Hải ( hộ di dời trước được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, hộ di dời sau được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ). Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết và giải thích cho dân rõ”. 
Thực tế điều đó đã xảy ra. Không chỉ vậy, ngay cả trong cùng một thời điểm, có hộ không những nhận được 2 triệu đồng mà còn nhận được một khoảng tiền khác nữa. Từ đó, nảy sinh vướng mắc trong một bộ phận nhân dân với chính quyền địa phương. Đã vậy còn có một vài người ở địa phương tỏ ra hiểu biết, giải thích sai chủ trương, chính sách tái định cư:  “đúng ra số tiền đầu tư hạ tầng phục vụ cho khu tái định cư, được chia đều cho các hộ, mỗi hộ bình quân hai mươi triệu đồng, nhưng nhà nước giữ lại để làm!”…làm tăng thêm mối nghi ngờ trong nhân dân. Hầu như những người dân thực hiện di dời đều làm đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện, tỉnh. Lúc này, sự giải thích của chính quyền địa phương gần như không còn hiệu quả. Người dân không đồng tình, cho rằng việc giải quyết không khách quan, “ bao che”, “tiêu cực”! Nắm bắt tình hình nầy, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã Hoài Hải đã đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, cử đoàn TGPL lưu động phối hợp với câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật và thực hiện TGPL. Buổi sinh hoạt câu lạc bộ và TGPL được truyền thanh trực tiếp cho mọi người trong thôn cùng nghe. Trên cơ sở nắm bắt nội dung, yêu cầu các vướng mắc của người dân, các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên thông báo các quy định của Chính phủ về thực hiện chính di dời dân vùng sạt lở theo từng giai đoạn. Trên cơ sở đó phân tích kỹ từng nội dung và yêu cầu, đối thoại trực tiếp với một số người có vướng mắc để làm sáng tỏ từng vấn đề. Do thời điểm thực hiện di dời, kết hợp với việc xem xét từng trường hợp của hộ gia đình về hoàn cảnh, điều kiện; hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà ở đơn sơ thực hiện kết hợp giữa chính sách di dời với hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng lại nhà ở. Có hộ di dời ngay trong mùa lụt bão, nhà bị sập được hỗ trợ theo chính sách xã hội…Những hộ đi trước, tuy số tiền nhận được ít, nhưng có điều kiện đã xây dựng được nhà ở ổn định, lo phát triển kinh tế gia đình. Các hộ di dời sau tuy số tiền có nhiều hơn, nhưng giả cả vật tư, vật liệu, nhất là lại phải bắt đầu cuộc sống ở nơi mới… Khi được nghe những “ Người am hiểu pháp luật” giải thích, được trực tiếp trao đổi, nhiều người mới vỡ lẽ. Chính quyền địa phương đã thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách, nhưng giải thích không đến nơi, đến chốn. Việc thực hiện chính sách kết hợp là đúng đắn; việc đầu tư xây dựng khu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho tái định cư như: đường giao thông, đường điện, cấp thoát nước, khu sinh hoạt nhân dân…Nhà nước không xây dựng, thì người dân nào làm được!...
          Khi người dân đã hiểu được, sự đồng tình rất cao. Có thể nói sau buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật thông qua câu lạc bộ, nhìn gương mặt không căng thẳng như lúc mới đến, những người làm công tác TGPL có thể gọi là tạm yên tâm. Bỡi vì, sau đó họ không có yêu cầu gì khác hơn yêu cầu xã phải nhanh chóng giúp dân làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có thể thế chấp ngân hàng xin vay vốn làm ăn. Nhu cầu vay vốn để phục vụ cho yêu cầu đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản trong nhân dân ở nơi đây còn rất lớn…Phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của một xã vùng bãi ngang ven biển nhiều tiềm năng này./.
                                                                                      Huỳnh Văn Chưa

          

0 nhận xét:

Đăng nhận xét