Năm 2010 Bình Định hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý (TGPL). Trong đó: Thực hiện tư vấn pháp luật 1.140 vụ việc, tham gia tố tụng 174 vụ việc (154 vụ án hình sự và 20 vụ án dân sự), thực hiện đại diện ngoài tố tụng 02 vụ việc, tham gia hòa giải 01 vụ việc. So với kế hoạch đề ra trong năm đạt 130%.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2009 thì số lượng vụ việc có thấp hơn. Đó là tổng số vụ việc TGPL năm 2010 chỉ có 1.317 vụ việc/ 4.054 vụ việc của năm 2009. Nguyên nhân là do đối tượng và kinh phí được cấp cho các hoạt động TGPL bị thu hẹp hơn, (do Dự án hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam giai đoạn 2005-2009 không còn tiếp tục thực hiện trên địa bàn tỉnh), song có thể nói Trung tâm và các Chi nhánh TGPL đã có nhiều cố gắng tăng cường các hoạt động TGPL về vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các đợt TGPL ngay tại địa bàn thôn, làng. Nếu như năm 2009 Trung tâm và các Chi nhánh tổ chức được 77 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, thì năm 2010 tổ chức trên 90 buổi, thu hút 6.286 lượt người tham dự. Đây là những con số tuy không lớn so với nhu cầu của xã hội, song qua đó đã góp phần tích cực vào việc hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo, ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, ý nghĩa lớn lao hơn nữa là từng bước Trung tâm và các Chi nhánh đã góp phần cùng với chính quyền địa phương và các ngành, các cấp đưa pháp luật đi vào cuộc sống, gắn pháp luật với các hoạt động xã hội ở địa phương, từng bước hình thành việc xây dựng nền văn minh pháp luật ngay từ cơ sở.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2011 Trung tâm xây dựng kế hoạch tiến công phát triển. Đó là về mặt hình thức Trung tâm tăng cường công tác TGPL lưu động. Ngoài việc mỗi xã, thị trấn ở 3 huyện nghèo theo Chương trình 30a trong năm sẽ tổ chức 2 đợt TGPL lưu động, các xã nghèo còn lại đều đảm bảo ít nhất 01 lần thực hiện TGPL lưu động. Trung tâm và các Chi nhánh sẽ tăng cường đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL, kết hợp các hoạt động trong ngày pháp luật ở địa phương, cơ sở. Về nội dung, tiếp tục tuyên truyền pháp luật về TGPL, làm cho người dân và nhất là người được TGPL như người nghèo, đồng bào dân tộc, người có công với cách mạng… nắm bắt được ý nghĩa của việc TGPL, khi có yêu cầu liên quan đến pháp luật, đến các cơ quan tiến hành tố tụng, biết được quyền và nghĩa vụ TGPL miễn phí để yêu cầu Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia thực hiện TGPL bằng các hình thức TGPL phù hợp. Ngoài ra, để đảm bảo đẩy mạnh việc thực hiện TGPL miễn phí bằng các hình thức TGPL cho người được TGPL, nhất là các hoạt động tham gia tố tụng hình sự, dân sự, lao động, hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, việc dân sự, lao động, hành chính…Trung tâm tổ chức khảo sát nhu cầu được TGPL trong các nhóm đối tượng được TGPL; tăng cường hướng dẫn các địa phương thành lập các câu lạc bộ TGPL, hướng dẫn và đôn đốc tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ TGPL có chất lượng; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương cơ sở phát triển mạng lưới cộng tác viên TGPL…Đảm bảo khi người dân nói chung và người được TGPL có nhu cầu tìm hiểu pháp luật đều có thể được tư vấn pháp luật có chất lượng. Bảo đảm 100% số người được TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL được TGPL khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, Trung tâm tham mưu và đề xuất với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tố tụng ở các địa phương, kịp thời phát hiện người được TGPL để yêu cầu Trung tâm và các Chi nhánh cử Trợ giúp pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn ban đầu của quá trình thực hiện tố tụng…
Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp tích cực trong các hoạt động TGPL sẽ góp phần rất tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Huỳnh Văn Chưa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét