Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

BÁO CÁO Tình hình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định


­SỞ TƯ PHÁP TỈNH BÌNH ĐỊNH
TRUNG TÂM TRỢ GIÚP
PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC
Số:    05   /BC-TGPL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

      Bình  Định, ngày  12    tháng 3    năm 2014

BÁO CÁO
Tình hình  thực hiện trợ giúp pháp lý
cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định
 


Thực hiện Quyết định số 3888/QĐ-BTP ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành kế hoạch năm 2013 triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (sau đây gọi là Trung tâm) báo cáo việc thực hiện công tác Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định, như sau:
          I. Đặc điểm tình hình người khuyết tật và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Bình Định có 32.372 người khuyết tật (chưa tính số người khuyết tật là thương bệnh binh), chiếm tỷ lệ 1,98% dân số, trong đó: 18.384 nam, 13.988 nữ; dạng tật về nhìn: 5.424 người (16,76%), dạng tật nghe:1.936 người chiếm (5,98%), dạng tật vận động: 13.859 người (42,81%), dạng tật giao tiếp: 2.459 người (7,87%), nhận thức một số vấn đề: 6.723 người (20,77%), tự chăm sóc: 1.881 người (5,81%). Người khuyết tật sống đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh. Việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội đối với người khuyết tật đã có nhiều khó khăn. Do đó, công tác trợ giúp pháp lý đến với người khuyết tật cũng chưa đảm bảo yêu cầu. Phần lớn trong các hoạt động TGPL người khuyết tật cũng chưa nhận được bao nhiêu.
          II. Kết quả hoạt động  Trợ giúp pháp lý ở địa phương
          1. Công tác truyền thông pháp luật về TGPL:
           Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997. Tháng 5/1998 UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh. Bước đầu, hoạt động TGPL còn khá lúng túng và vất vả. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở Tư pháp đã từng bước củng cố tổ chức Trung tâm và đi vào hoạt động. Qua đó đã góp phần tích cực trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL nói riêng và với người dân trong tỉnh nói chung. Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực năm 2007, hoạt động TGPL đã có bước chuyển biến tích cực. Để góp phần nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý, không chỉ cho người dân mà còn góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động TGPL, Trung tâm đã có kế hoạch và triển khai việc đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL. Qua đó, Trung tâm phối hợp và ký kết hợp đồng tuyên truyền với các cơ quan truyền thông của tỉnh như: Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh, cùng với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương tăng cường công tác truyền thông về TGPL.
Trong thời gian qua đã có hàng ngàn tin, bài, phóng sự, hình ảnh về TGPL được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bản tin Tư pháp của tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp cùng với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp tổ chức 415 đợt TGPL lưu động và lồng ghép tổ chức 688 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, cho 44.760 lượt người tham dự; phát 117.894 tờ gấp pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật. Lắp đặt  135 bảng thông tin về nội dung TGPL tại các xã đặc biệt khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, tỉnh, Phòng tiếp công dân của UBND huyện, tỉnh.  
2. Công tác phối hợp giữa các tổ chức thực hiện TGPL với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan:
           Để đẩy mạnh các hoạt động TGPL, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý cho người được TGPL, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL đã ký kết Chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động TGPL với các tổ chức đoàn thể, các Phòng Tư pháp. Qua đó, sự đóng góp tích cực của các cấp hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên,… đã huy động hội, đoàn viên của mình tham gia tích cực trong các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, TGPL lưu động; thông báo hội, đoàn viên là người được TGPL có vướng mắc pháp luật yêu cầu được TGPL. Phối hợp với Trung tâm thành lập các câu lạc bộ TGPL, phát triển cộng tác viên là những người có kiến thức pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thực hiện TGPL cho người được TGPL nhất là việc tham gia tố tụng, Trung tâm đã giúp Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo hướng dẫn Thông tư liên tịch số: 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nay sửa đổi theo Thông tư liên tịch số 11/2013 ngày 04/7/2013) . Qua đó, các hoạt động tham gia tố tụng cho người được TGPL ở các giai đoạn từ: Điều tra, truy tố, đến xét xử đã được các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong tỉnh quan tâm đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia thực hiện. Đảm bảo việc thực hiện TGPL cho người được TGPL ngày càng được nâng cao chất lượng và số lượng vụ việc.
3. Kết quả hoạt động Trợ giúp pháp lý ở địa phương.
 Kể từ khi thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay, Trung tâm  Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL miễn phí cho 30.386 người có yêu cầu Trợ giúp pháp lý, với 30.386 vụ việc. Trong đó tư vấn pháp luật: 28.587 vụ việc, tham gia tố tụng: 1.396 vụ việc (trong đó có 55 vụ án dân sự, số còn lại là án hình sự), thực hiện đại diện ngoài tố tụng: 341 vụ việc, tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại: 55 vụ việc, thực hiện các lĩnh vực khác: 07 vụ việc. Trong đó thực hiện cho các diện người được TGPL như: Người nghèo: 5896 người; người có công cách mạng 6.077 người; người già cô đơn không nơi nuơng tựa 295 người; người đồng bào dân tộc thiểu số 7.223 người; trẻ em, người chưa thành niên 2697; người khuyết tật 98 người; phụ nữ bị bạo lực gia đình 11 người; thuộc các diện khác 8.082 người.
          Cụ thể:
          - Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động: Trung tâm và các Chi nhánh đã tổ chức: 415 đợt TGPL lưu động, tại thôn, làng, xã, phường, thị trấn, thị xã đóng tại các xã huyện nghèo, bãi ngang, miền núi, hải đảo… trên địa bàn trong tỉnh để tư vấn pháp luật cho 30.386 người, với 30.386 vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực Hình sự, dân sự, hành chính, đất đai, chính sách người có công, lao động…
- Về thực hiện đại diện ngoài tố tụng: Khi có nhu cầu của đối tượng, Trung tâm đã thụ lý và cử người Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên tham gia thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho 98 người thuộc diện người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp pháp lý trên các lĩnh vực như: Hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, chế độ chính sách xã hội… trong 98 trường hợp Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên tham gia đại diện ngoài tố tụng chúng tôi không thể không nhắc tới những trường hợp sau mà Trung tâm đã mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để đem lại quyền lợi thiết thực cho đối tượng. Đó là:
- Trường hợp ông Huỳnh Trọng Qúy, thuộc diện người khuyết tật không nơi nương tựa, ở 72 Lam Sơn, phường Quang Trung, Quy Nhơn, Bình Định. Ông Nguyễn Minh Châuthường trú tại 02 Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, Quy Nhơn…Từ trước đến nay (năm 40 tuổi) chưa một lần làm giấy khai sinh và một số giấy tờ tùy thân. Nay có nhu cầu đăng ký khai sinh quá hạn và làm giấy tờ tùy thân (giấy chứng minh nhân dân). Ông Nguyễn Trọng Qúy đã đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm các loại giấy tờ tùy thân nhưng không được giải quyết. Qua giới thiệu của phóng viên Đài truyền hình, ông Qúy đã đến với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh yêu cầu được TGPL, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia thực hiện đại diện ngoài tố tụng. Sau quá trình liên hệ, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, Trợ giúp viên pháp lý đã làm xong các thủ tục như: Cấp giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân cho ông Quý;
- Trường hợp Bà Trần Thị Tuyết Nhung, trú tại tổ 71, khu vực 8, phường Quang Trung, Quy Nhơn, Bình Định, là người khuyết tật (mù hai mắt) có nhu cầu làm thủ tục xin cấp giấy khai sinh quá hạn cho bản thân và cho 02 người con, làm thủ tục nhập, chuyển hộ khẩu từ xã Mỹ Trinh về tại Phường Trần Phú, làm thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân… Trợ giúp viên pháp lý đã trực tiếp thực hiện và hoàn tất các yêu cầu của đối tượng;
- Trường hợp ông Ngô Văn Nề, người nghèo. Trú tại: Phú Hà, Mỹ Đức, Phù Mỹ, Bình Định đề nghị trợ giúp pháp lý: làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi cho cựu thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Nề trình bày, mặc dù đã nhiều lần làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi thanh niên xung phong nhưng UBND xã và các cơ quan liên quan không giải quyết để ông được hưởng chế độ thanh niên xung phong. Thông qua các đợt TGPL lưu động, ông Ngô Văn Nề biết và đến với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh yêu cầu hướng dẫn ông làm thủ tục hưởng chế độ thanh niên xung phong, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia thực hiện đại diện ngoài tố tụng, liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm hoàn thành bộ hồ sơ để được hưởng chế thanh niên xung phong theo quy định của pháp luật (hiện nay ông Nề đã chết);
- Trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Hồng , thuộc diện người có công cách mạng, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị đơn trả lại đất cho hộ gia đình ông Hồng. Không đồng ý với bản án của TAND huyện, bị đơn kháng cáo phúc thẩm. Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Kết quả đã làm hài lòng người được TGPL…
III. Nhận xét, đánh giá và đề xuất kiến nghị:
1.     Nhận xét, đánh giá chung:
1.1. Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Trung tâm và các Chi nhánh TGPL đã thực hiện các hoạt động TGPL cho người được TGPL, bước đầu mang lại nhiều kết quả đánh ghi nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân nói chung và người được TGPL nói riêng, trong đó có người khuyết tật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và giải tỏa những vướng mắc pháp luật mà người dân thường gặp trong cuộc sống;
- Việc củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước ngày càng được quan tâm hơn, từ khi mới thành lập Trung tâm có 05 biên chế, đến nay đã được bố trí 25 biên chế được đào tạo chính quy, được bố trí sắp xếp đúng chức năng nhiệm vụ phù hợp với năng lực chuyên môn. Vì vậy kết quả và chất lượng về trợ giúp pháp lý ngày càng cao hơn;
- Nhờ sự chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan thông tin đại chúng, các hội đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với TGPL đã góp phần tăng cường công tác truyền thông về TGPL cho người được TGPL trong toàn tỉnh.
1.2. Khó khăn, hạn chế.
  -  Việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật ở địa phương chưa kịp thời và đồng bộ; Công tác truyền thông về TGPL cho đối tượng chưa sâu rộng, chưa thích hợp. Do đó, nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được Trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng chưa tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí;
- Tổ chức thực hiện TGPL chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của người khuyết tật;
          - Sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL của người được TGPL, trong đó có người khuyết tật;
                2. Nguyên nhân:
- Chưa tổ chức tốt các đợt khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực pháp luật được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và Luật người khuyết tật;
- Chưa tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
3. Đề xuất, kiến nghị:
- Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm quyền được TGPL của người được TGPL, trong đó có người khuyết tật;
- Tổ chức xây dựng các chương trình, tài liệu tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật;
- Cấp kinh phí cho việc soạn thảo tờ gấp, lắp bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các tổ chức của người khuyết tật; Lồng ghép việc tuyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các chương trình khác của địa phương;
- Các cấp hội, đoàn thể tăng cường phối hợp với Trung tâm trong việc giới thiệu thành viên của tổ chức mình là người được TGPL để được thực hiện TGPL. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
- Tăng cường thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác.                              
Trên đây là một số kết quả sơ bộ về tình hình thực hiện TGPL cho người được TGPL nói chung, trong đó có người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh kính báo cáo Cục Trợ giúp pháp lý và Giám đốc Sở Tư pháp biết, theo dõi chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Cục TGPL;
- Sở Tư pháp;
- Các hội, đoàn thể tỉnh;
- Lưu VT, TH.




GIÁM ĐỐC
(Đã ký)

Huỳnh Văn Chưa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét