Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ


TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

TGPL đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống pháp luật, trở thành cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân, góp phần khắc phục những bất cập...
I. Tại sao phải có trợ giúp pháp lý ?
Một là : Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, có mặt tích cực là thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển nhưng có mặt tiêu cực khác là làm gia tăng sự phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, các vùng, các khu vực, các nhóm xã hội. Khoảng cách giàu nghèo về kinh tế tất yếu dẫn đến sự  bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hoá… và đặc biệt là tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Người nghèo thường không có điều kiện về kinh tế để tiếp cận với các loại dịch vụ pháp lý có thu phí, nên trong nhiều trường hợp không được tư vấn pháp luật hoặc không mời được Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại. 

1. Tại sao phải có Trợ giúp pháp lý ?
 2. Cơ sở pháp lý của Trợ giúp pháp lý?
 3. Các hình thức của Trợ giúp pháp lý
  4. Phạm vi và lĩnh vực được trợ giúp pháp lý
  5. Những nhóm người được trợ giúp pháp lý ?
 6. Để được trợ giúp pháp lý, người được TGPL phải làm gì ?
Hai là : Trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều, lại thường xuyên được bổ sung, sửa đổi thì việc người dân tiếp cận với pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, để xử sự theo đúng pháp luật trong các quan hệ của đời sống xã hội không phải dễ dàng. (Theo trang WEB của Văn phòng Quốc hội, tính đến tháng 3 năm 2008, đã có 228 Luật, Bộ Luật; 2.251 Nghị định, 199 Pháp lệnh, 3.470 Thông tư; 1.765 Thông tư liên tịch). Do vậy, tổ chức pháp lý nhà nước ra đời đã tạo cơ hội và những điều kiện cần thiết để người nghèo, người có công với cách mạng có điều kiện hoàn cảnh tương tự như người khác trong tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật, thực hiện công tác đề ơn, đáp nghĩa và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Ba là: Công tác trợ giúp pháp lý còn là điều kiện nhằm để bảo vệ nhân quyền, bảo đảm công lý, là một trong những mục tiêu của phong trào giảm nghèo toàn cầu và phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của thế giới.
II. Cơ sở pháp lý của trợ giúp pháp lý:
          Xuất phát từ những ý nghĩa trên và yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Đảng khoá VIII đã đề ra yêu cầu phải thiết lập hệ thống các tổ chức giúp đỡ pháp lý miễn phí giành cho người nghèo, các gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 06/9/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí trên toàn quốc.
          Qua sau gần 10 năm thực hiện TGPL, công tác TGPL đã và đang thực hiện đúng định hướng, chủ trương của Đảng. Trên toàn quốc, TGPL đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trên một triệu lượt người có vướng mắc pháp luật, qua đó giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ công dân, tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, không tốn kém thời gian, công sức vào khiếu kiện không cần thiết, tập trung lao động sản xuất, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tự tin trong việc bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình và xã hội, tạo sự lành mạnh về mặt pháp lý trong các quan hệ xã hội của điều kiện nền kinh tế thị trường, thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
          TGPL đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống pháp luật, trở thành cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân, góp phần khắc phục những bất cập
Đối với tỉnh ta, TGPL cũng đã thực hiện trợ giúp cho hàng vạn lượt người với các hình thức như tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… Tuy nhiên, trước yêu cầu của xã hội  và các nhóm đối tượng cần được TGPL miễn phí, những quy định của Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp với tình hình thực tế, đòi hỏi phải có những quy định của pháp luật cao hơn, nhằm đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động của trợ giúp pháp lý, đáp ứng kịp thời yêu cầu được trợ giúp pháp lý của những người được trợ giúp pháp lý. Ngày 29 tháng 6 năm 2006 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2007. Để Luật Trợ giúp pháp lý nhanh chóng đi vào hiện thực, ngày 12/01/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, để thúc đẩy các hoạt động của trợ giúp pháp lý. Điểm đáng chú ý là, nếu như trước đây, chỉ có luật sư tham gia trợ giúp pháp lý mới là người được thực hiện tất cả các hình thức trợ giúp pháp lý. Với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, thì Trợ giúp viên pháp lý cũng là người được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhưng cũng là những khó khăn không nhỏ cho các Trợ giúp viên pháp lý. Các Luật sư là những người đã có kinh nghiệm trong các hoạt động tố tụng, đại diện ngoài tố tụng riêng đối với các Trợ giúp viên pháp lý, có thể nói lần đầu tiên các viên chức chuyên môn, nghiệp vụ kể cả viên chức là lãnh đạo của Trung tâm được pháp luật quy định thực hiện tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, không thể nào một sớm, một chiều có ngay được những thuận lợi, những kinh nghiệm, hiểu biết một cách đầy đủ các hoạt động trong tố tụng, đại diện ngoaì tố tụng. Điều này còn cần phải có quá trình tích luỹ qua học hỏi kinh nghiệm, qua thực tiễn hoạt động… Để góp phần rút ngắn quá trình học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng các hoạt động trong tham gia tố tụng, thực hiện đại diện ngoài tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý nói riêng và các hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung, lãnh đạo Sở Tư pháp chúng tôi sẽ thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm, của các Trợ giúp viên và các cộng tác viên đồng thời qua đây chúng tôi xin đề nghị với lãnh đạo và các đồng chí ở các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp tích cực với Trung tâm Trợ giúp pháp lý để góp phần thúc đẩy các hoạt động trợ giúp pháp lý đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, Giám đốc Sở Tư pháp yêu cầu các Trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm, các cán bộ, viên chức của Trung tâm hãy ra sức rèn luyện đạo đức tác phong, nâng cao tinh thần học hỏi không ngừng trau giồi trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về pháp lý, ngoại ngữ, tin học… tích cực học tập kinh nghiệm của những người đi trước, không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội nói chung và của các đối tượng được trợ giúp pháp lý, để thực hiện hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

QUYỀN, NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM
ĐÓI VỚI TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ

          Căn cứ theo các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2007; Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện như sau:
I. Quyền của Trợ giúp viên pháp lý:
1. Thực hiện TGPL :  Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây:
- Tư vấn pháp luật: bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; ngưởi bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Khi Trợ giúp viên pháp lý được cử tham gia tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính trong thời hạn không quá ba ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, trừ trường hợp pháp luật tố tụng có quy định khác. Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Khi tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng; được sử dụng các biện pháp mà pháp luật tố tụng quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
          - Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
          - Thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc giúp đỡ họ hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện TGPL trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 45 của Luật Trợ giúp pháp lý và theo quy định của pháp luật tố tụng.
3.  Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng TGPL.
II. Nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý
1. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động TGPL: Khi thực hiện TGPL, TGVPL có hành vi vi phạm quy định của Luật TGPL thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người được TGPL có quyền khiếu nại đối với các hành vi của TGVPL khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tuân thủ nội quy nơi thực hiện TGPL.
3. Kịp thời báo cáo với tổ chức thực hiện TGPL những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý.
III. Trách nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý :
1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý.
2. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của Giám đốc Trung tâm, của Trưởng Chi nhánh. Trợ giúp viên pháp lý chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trong trường hợp làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm thì còn phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Chi nhánh.
3. Trong trường hợp Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý mà gây thiệt hại thì Trung tâm nơi người đó công tác phải có trách nhiệm bồi thường. Trợ giúp viên pháp lý đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Trung tâm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét