Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Vì đâu nên nỗi bất hạnh

Mỏng manh đôi cánh chuồn chuồn..
..khẽ lay trước gió biết về nơi đâu
(XT)
Có người bảo rằng, trên đời này vẫn có những ngôi sao xấu, ý nói về những người có cuộc đời bất hạnh! Không biết có đúng vậy không, nhưng trong cuộc sống cũng có những người có hoàn cảnh tương tự. Song có lẽ không do “số phận”, mà có thể nói đó chính là sự thiếu kiên nhẫn, chịu đựng, rèn luyện trong cuộc sống. Buông thả mình theo dòng đời...
          Hải sinh ra ở ngay thành phố, nhưng không biết ai là đấng sinh thành. Chỉ sau này lớn lên một chút mới được biết rằng bà ngoại là người đã nuôi Hải được 3 tháng tuổi. Sau đó bà ngoại mất. Hải lại được một gia đình không con xin về nuôi dưỡng. Không biết có phải nghĩ mình là “quý tử” hay biết được thân phận là con nuôi, nên Hải không chăm chỉ học hành, mà lại theo bạn bè lêu lổng. Cha mẹ la rầy lắm cũng chỉ học hành đến lớp 6 là đã nghỉ học. Năm mười lăm tuổi lại chứng kiến sự chia tay của cha mẹ nuôi. Hải theo mẹ nuôi đi về sống ở Mỹ Thắng một vùng quê còn xa xôi, heo hút. Được một thời gian, có người cho biết mẹ đẻ của Hải đang sống ở Kon-Tum. Hải được người thân đưa đến ở với mẹ đẻ. Nghe Hải nói, từ khi có mặt của Hải trong gia đình, người mẹ đẻ trong mơ của Hải ngày nào, đang ở trước mặt thường xuyên bị cha dượng đánh đập. Nghĩ thương phận mình, phận mẹ! Hải lại phải trở về ở với cha nuôi. Lây lất qua ngày, người cha nuôi cũng không mấy mặn mà với đứa con nuôi không mấy ngoan hiền. Thế là Hải lại về với vùng quê còn nhiều khó khăn nầy cùng với mẹ nuôi. Hàng ngày, người mẹ tảo tần buôn bán nuôi sống bản thân và đứa con bé bỏng, thiếu vắng tình thương. Những tưởng cuộc sống yên ả trôi qua, để hai mẹ con an ủi tuổi già, nhưng với bản tính ham chơi, không thích làm lụng giúp mẹ. Hằng ngày Hải đắm mình trong các trò chơi điện tử. Để có tiền cho các buổi chơi, Hải thường đi rông trong thôn, xóm xem cửa nhà ai bỏ trống, trong nhà có máy điện thoại di động hay đồ đạc nào có giá, thì lẻn vào lấy đem vào Quy Nhơn bán. Ở vùng quê lâu nay vốn yên bình, nhiều gia đình không ai bị mất cắp, nên ít khi phải “cửa đóng then cài”. Do vậy nơi đây đã là nguồn “tiềm năng khai thác” phục vụ cho các cuộc chơi của mình. Người ta bảo rằng: “Đi đêm có ngày gặp ma”. Thế là người dân mật phục. Trong lúc Hải lên xe mang theo máy tính xách tay, điện thoại di động…vừa ăn cắp được, cũng là lúc một số người dân và cán bộ thôn, trong đó có chủ của những món đồ Hải vừa lấy cắp, chặn xe lại yêu cầu kiểm tra hành lý mang theo của Hải. Mặc dù những vật dụng lấy cắp được đã được trả về cho chủ nhân của nó, nhưng Hải vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
          Khi gặp mặt tại Nhà tạm giữ tôi đã cố tìm hiểu xem, giả định như Hải không bị cách lý khỏi xã hội bằng một Bản án, thì Hải sẽ làm gì và sống với ai? Ngập ngừng hồi lâu Hải tâm sự: Cháu lại về với ba đẻ của mình, đi làm nghề thợ hồ để kiếm tiền ăn học nghề! Tôi lại hỏi: Ba đẻ của Hải đã bỏ Hải từ khi Hải chưa thành hình hài, thì làm gì mà ông ấy nhận. Với lại trong khi ở với cha mẹ nuôi đã được đi học nghề thợ điện hơn hai năm, giờ vẫn chưa thành nghề, thì học nghề gì nữa…Gương mặt Hải như thẫn thờ ! Dẫu biết rằng Hải đã cố gượng ép mình để trả lời những câu hỏi khi mà đáp số của nó gần như không mấy chắc chắn, nhưng trong trường hợp này thì sao? Một đứa trẻ! Vâng nói đúng hơn là một con người chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa tuổi thanh niên, nếu có ngay định hướng từ nhỏ trong một môi trường tốt có thể Hải sẽ không có ngày hôm nay, khi mới vừa tròn mười bảy tuổi phải vào vòng lao lý ! Không biết, sau khi chấp hành xong án sáu tháng tù giam, ra tù Hải ở đâu, làm gì và ai sẽ là người dìu dắt định hướng cho tâm hồn có thể nói còn rất ngây thơ trên bước đường đầy gian khó nầy. Hay lại phải tiếp tục…Tôi lại không dám nghĩ tiếp cho dù điều đó còn có khoảng cách…!
          Tôi cứ phân vân, phân vân mãi…!

                                                                                                                                          Văn Chưa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét