Trong đợt trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động tại điểm thôn ở vùng sâu thuộc một xã vùng ven biển. Khi đoàn chúng tôi đến nơi vừa ổn định chỗ ngồi, đã có một số người dân kéo đến. Lúc đầu lưa thưa chừng năm, ba người. Sau khoảng vài mươi phút đồng hồ, hội trường của thôn có sức chứa khoảng năm mươi người đã không còn chỗ trống.
Ngoài hành lang còn có hàng chục người đứng kín cả lối đi ra vào. Việc người dân đến với TGPL đông như vậy là điều đáng mừng. Trước hết có điều kiện để các báo cáo viên pháp luật phổ biến một số nội dung văn bản pháp luật, đồng thời kết hợp tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, để qua đó nắm bắt những vướng mắc pháp luật mà người dân nơi đây hàng ngày gặp phải nhưng chưa biết tìm hiểu ở đâu! Đúng là rất nhiều vướng mắc pháp luật nhưng không đơn giản có thể trả lời và làm thỏa mãn ngay các yêu cầu của họ. Trong rất nhiều ý kiến nêu ra, có ý kiến được nhiều người quan tâm nhất.
- Các ông thử nghĩ coi. Đường từ thôn lến đến xã có phải gần đâu ? trên 5-6 cây số, lại phải qua đèo dốc. Nhiều gia đình ở đây từ bao đời nay có xe máy đâu mà đi. Mỗi lần đi lại vừa tốn kém tiền bạc, vừa mất thời gian làm ăn của chúng tôi. Vậy mà có thằng cháu nhà nó nghèo xơ, nghèo xác lo kiếm cái ăn hàng ngày còn chưa đủ, lại bị mấy ông xã hành đi, hành lại năm lần, sáu lượt vẫn chưa chịu làm giấy khai sinh cho con nó. Vừa rồi nó lên xã, xã lại bảo nó khai sinh trễ hạn đòi phạt tiền. Các ông coi vậy có được không !
Người khác lại chen vào nói:
- Để lên đến xã nó phải nghỉ đi làm biển mấy ngày, nhưng khi đến nơi lúc thì cúp điện không in được giấy, lúc thì mắc họp, lúc thì hư máy phô-tô…thôi thì đủ kiểu hành…
Dẫu rằng trong thực tế một số ít cán bộ ở địa phương, đôi khi vì việc gì đó bức xúc, hoặc một số cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm nên có thể gây phiền phức cho người dân, nhưng với địa phương này, nơi có bề dày truyền thống cách mạng, chúng tôi nghĩ cũng không đến nỗi nào như vậy. Đi sâu tìm hiểu kỹ nguyên nhân, thì ra do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch lại giải thích không đến nơi đến chốn, gây nên thắc mắc, nghi ngờ. Có thể nói “từ đốm lửa” nhỏ này cũng dễ làm cháy bùng lên thành “ngọn lửa”.
Thì ra đến thời điểm sinh con, trong Giấy khai sinh của người mẹ chỉ có trên mười sáu tuổi, mặc dù khi hai gia đình làm đám cưới cho hai con, tuổi thật đã trên mười tám và hai mươi. Do không làm được Giấy đăng ký kết hôn, nên không làm được Giấy khai sinh cho con theo ý muốn có cả họ tên cha, mẹ. Đứa con phải lấy họ cha.
Sau khi phân tích và giải thích, như để “minh chứng” cho họ thấy cái đúng, cái sai của mình, chúng tôi đã cử cán bộ của Trung tâm cùng với người có yêu cầu làm Giấy khai sinh cho con trực tiếp đến UBND xã làm các thủ tục, để làm Giấy khai sinh.
Cầm tấm Giấy khai sinh trên tay có cả họ tên người cha, người mẹ theo đúng như yêu cầu, chúng tôi mới thấy trên gương mặt của người cha trẻ nụ cười “chiến thắng” như anh vừa lập được một “thành tích” gì đó thật xuất sắc với vợ con và họ hàng. Vừa rồi anh đã điện thoại cho chúng tôi báo tin vui. Anh đã làm xong Giấy đăng ký kết hôn!
Văn Chưa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét