Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

ĐIỂM MẶT “THẦY ĐỀ” Ở NÔNG THÔN

Minh họa
Vợ chồng ông Nguyễn T. chết không có gì để lại cho 3 người con, hai trai và một gái ngoài mảnh đất với hơn 300 m2. Gia tộc đã họp phân chia làm 3 phần bằng nhau. Người con gái được phần đất ngoài cùng, giáp mặt đường tiện phần buôn bán, đã cất nhà và làm ăn sinh sống. Hai phần còn lại của mỗi người anh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người anh lấy vợ và sống ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Khi xây dựng hồ Định Bình, nhà nước thực hiện đền bù giải tỏa, người anh có số vốn kha khá, mới nghĩ tới chuyện về quê! Xây xong ngôi nhà, ở chẳng được bao lâu, người em gái làm đơn kiện ra tòa vì người anh lấn chiếm đất trái phép của mình ! Cho dù đất này là của cha mẹ để lại, nhưng thời hiệu thừa kế đã hết! Có người bảo rằng đến nay, người em đã tốn kém hơn ba bốn mươi triệu đồng để đi kiện, vì trước mỗi lần đi kiện là phải “nhậu” để bàn tính công việc. Tiền viết đơn, tiền bồi dưỡng…? Vụ việc đã qua hai cấp xét xử, đến nay đã gần mười năm vẫn “bất phân thắng bại”. 
          Cùng sát mảnh đất trên còn có hai anh em ruột, là ông Trần Văn K. và Trần Văn H. Bình thường từ bấy lâu nay mọi người thấy anh em, bác cháu vẫn sống hòa thuận. Trước năm 2000 ngoài căn nhà đang ở, bên hông căn nhà của ông K, (nhưng lại nằm về phía trước mặt nhà của ông H) ông K có xây 01 căn phòng nhỏ ( khoảng 20m2) để làm đồ mộc, bên cạnh đó có cái giếng nước từ rất lâu đời. Thấy việc đi lại của gia đình ông K ngang qua mặt trước ngôi nhà của ông H là bất tiện, đồng thời việc ông K xây nhà làm đồ mộc, sợ sau này ông K lấy hết phần đất của mình, thì khó khăn. Thế là năm 2002 anh em kéo nhau ra UBND TT để giải quyết. Trên cơ sở nguyên trạng, UBND đã hòa giải thành giữa hai anh em ông K và ông H. Phân định ông K phải đóng cửa bên hông nhà mình, không được đi ngang qua nhà ông H. Ông H xây lại phần đất ranh giới của mình. Lấy điểm mốc là từ cái giếng nước cách ra thêm 0,5 mét để ông K tiện sử dụng. Bình lặng như thế đã gần tám năm qua. Đùng một cái, ông K. dỡ căn nhà làm đồ mộc, xây một căn nhà bao luôn cả cái giếng nước và lấn thêm phần đất hiện trạng của H. Theo ông K phần đất trên không phải ông lấn chiếm mà nguyên là vùng đất để nước thải từ cái giếng nước. Anh em lại phải một lần nữa kéo nhau ra UBND TT. Ông K bảo rằng đất của ông thì ông làm gì thì làm. Ông H bảo đất này là của ông H. Việc hòa giải lần này không thành. Nguyên nhân là ông K đã xây lấn chiếm thêm phần đất đã phân giải từ năm 2002 của ông H. Còn ông H thì yêu cầu ông K không chỉ phá dỡ phần đất lấn chiếm mà phá dỡ hết kể cả phần căn nhà làm đồ mộc và cái giếng nước, để trả  lại vùng đất “ ngay thẳng” cho ông. Việc tới đây, nếu không xong cấp UBND TT phải chuyển lên chính quyền cấp trên giải quyết! Nhưng không! Một này kia ông K nhận được giấy mời của Tòa án huyện về việc tranh chấp tài sản trên đất là cái giếng nước. Thì ra, không biết UBND TT có chuyển nội vụ lên UBND cấp trên giải quyết hay không, nhưng có lẽ “ thầy đề” ở cơ sở đã tính kế. Nếu kiện ra tòa tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì hết thời hiệu! Tranh chấp dân sự về lấn chiếm đất đai thì chưa có “ sổ đỏ”… Chắc ăn là tranh chấp tài sản, vật kiến trúc gắn liền với đất. Không biết rồi đây tòa xử thế nào, nhưng về tranh chấp cái giếng thì ông H đã thừa nhận cái giếng là của cha mẹ để lại. Do hư hỏng nên năm 1968 ông K đã xây sửa lại và sử dụng từ đó cho đến ngày xảy ra tranh chấp.
Ở đây có thể nói rằng việc tranh chấp cái giếng không phải vì tài sản là cái giếng mà có lẽ “thầy đề” đã chỉ rằng chính là vì… đất. Do vậy mới có yêu cầu ngược lại là: nếu ông K có giành cái giếng thì ông H trả lại cho ông K, một triệu đồng !?? Nhưng diện tích đất lấn chiếm có đáng là bao. Nếu kể cả việc xây căn nhà mộc trước đây và cả cái giếng nước khoảng trên 20m2 cộng với diện tích lấn chiếm thêm sau này khoảng gần 6 m2 nữa, giá trị chắc không thể nào bằng chi phí đã và sẽ chi trả cho “thầy đề”. Với số tiền ấy, ông H có thể thông qua hòa giải để thỏa thuận chi trả lại cho ông  K, vừa có tình, vừa được đất, được tiếng. Điều dễ hiểu là cả hai anh em ruột không ai bị mất sĩ diện vì mình…thua cả! Và người thua có lẽ là “thầy đề” nên chắc là khó …giải quyết cho dứt điểm.

                                                                                                                                      Văn Thịnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét