Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định
1. Vị trí, chức năng:
Ø Vị trí:
Quy Nhơn là thành phố tỉnh lị tỉnh Bình Định và là một trong 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Với tổng diện tích 286 km² và dân số 281.100 người. Là một thành phố ven biển miền Trung,trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học kĩ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Thành phố có 16 phường và 5 xã. Thành phố Quy Nhơn nằm phía đông nam của tỉnh Bình Định, phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp với huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, phía nam giáp với tỉnh Phú Yên.
Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định nằm ở số 715 đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ø Vị trí pháp lý:
Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự quản lý nhà nước sủa Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp.
Ø Chức năng:
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Ø Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý TGPL dài hạn và hàng năm của tỉnh trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, bao gồm:
- Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ;
- Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40 và Điều 41 Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 12/01/2007;
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý;
- Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trực thuộc Trung tâm; hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là cộng tác viên) của Trung tâm và Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý khác;
- Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh;
- Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và Chi nhánh theo thẩm quyền.
- Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh.
- Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.
- Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.
- Thực hiện sơ kết, tổng kết chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở tỉnh với các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
- Quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
- Đề xuất việc khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý.
- Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và do UBND tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tư pháp giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm.
2. Quá trình hình thành
- Trợ giúp pháp lý tại Việt Nam ra đời theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được thể chế hóa bằng Quyết định 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý ra đời, tạo cơ chế pháp lý đồng bộ và khẳng định sự phát triển về chất của công tác trợ giúp pháp lý.
- Trợ giúp pháp lý là một chính sách xã hội rộng lớn thể hiện đậm nét truyền thống, đạo lý tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc, góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân theo pháp luật và phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và xu thế phát triển của cộng đồng quốc tế.
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định thành lập theo Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5 năm 1998 UBND tỉnh Bình Định đã quyết định thành lập Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước, với biên chế là 04; Theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung và Chi nhánh Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có con dấu và tài khoản riêng.
- Trợ giúp pháp lý tại Bình Định trong quá trình thành lập và phát triển đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc TGPL cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng và một số đối tượng khác, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Nhất là trong hình thức tham gia tố tụng, thông qua việc cử Luật sư Cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý tham gia vào các quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được TGPL, hoạt động TGPL đã tham gia tích cực nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng và trung thực của các vụ việc góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách Tư pháp. Đặc biệt, thông qua TGPL lưu động tại cơ sở, Trung tâm TGPL đã tuyên truyền, giới thiệu văn bản Pháp luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, các văn bản Pháp luật được nhiều người dân quan tâm phục vụ nhiệm vụ Chính trị của địa phương, được chính quyền, cán bộ và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, đón nhận và đánh giá cao về hiệu quả hoạt động.
- Trong quá trình hoạt động, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tặng nhiều Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác TGPL.
2.1.3 Tình hình phát triển
Thực hiện Chương trình, kế hoạch công tác TGPL năm 2013 đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt; trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ thường xuyên của hoạt động TGPL, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh (sau đây gọi là Trung Tâm) còn tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cho các huyện nghèo, (giai đoạn 2011 -2020); tổ chức thực hiện TGPL ở các xã đặt biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và một số địa bàn có nhiều khó khăn phức tạp, nhân dân có nhiều vướng mắc pháp luật theo yêu cầu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp; xây dựng Đề án triển khai thực hiện Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới Trung tâm và chi nhánh đến năm 2015; khảo sát chuẩn bị nội dung để bổ sung Đề án thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trước những yêu cầu được đặt ra để đảm bảo yêu cầu triển khai các hoạt động TGPL có chất lượng, phù hợp với tình hình phát triển và đặc điểm ở địa phương và bộ máy tổ chức của Trung tâm, các nhánh, Trung tâm đã triển khai thực hiện các biện pháp tổ chức tích cực cùng với sự nhiệt tình năng nổ của cán bộ, viên chức Trung tâm và các Chi nhánh, của các đội ngũ Cộng tác viên, Cộng tác viên là Luật sư và nhất là sự phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Luật gia.... từ tỉnh xuống cơ sở; sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Sở Tư pháp, cùng với sự tham gia có kết quả của các Phòng chuyên môn của Sở Tư pháp và các Phòng Tư pháp, Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch cấp xã... đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động TGPL trong năm 2013 tăng cao hơn so với những năm trước cụ thể như sau:
Trong năm 2013 Trung tâm đã thực hiện TGPL: 3.172 vụ việc cho 3.172 người có yêu cầu đươc TGPL tăng 691 vụ việc, đạt tỷ lệ 128% so với năm 2012. Đạt kế hoạch cả năm 2013 là: 187%. Trong đó: 2.911 vụ việc tư vấn pháp luật; 251 vụ việc tham gia tố tụng; 05 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 02 vụ việc tham gia hòa giải, còn lại các lĩnh vực khác 278 vụ việc.
Về lĩnh vực TGPL: Hình sự 396 vụ việc, hành chính 345 vụ việc, dân sự 565 vụ việc, hôn nhân gia đình 523 vụ việc, đất đai 746 vụ việc, lao động việc làm 03 vụ việc, chính sách cho người có công 316 vụ việc, còn lại lĩnh vực khác 278 vụ việc
Về người được TGPL: 485 người thuộc diện hộ nghèo, 77 người có công cách mạng, 216 người chưa thành niên, 975 người dân tộc thiểu số, người già cô đơn 05 người, người khuyết tật 05 người, trẻ em không nơi nương tựa 04 người, phụ nữ bị bạo lực gia đình 01 người, đại diện khác 1.422 người.
Trung tâm và các Chi nhánh đã tổ tức 121 đợt TGPL lưu động, tại 79 xã, phường thị trấn cho 179 thôn, làng, khu dân cư, tăng 21 đợt đạt tỷ lệ 121% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong quá trình hoạt động Trung tâm đặc biệt chú trọng đến mạng lưới Cộng tác viên. Năm 2013 Trung tâm đã ký hợp đồng với 02 cộng tác viên mới, nâng tổng số cộng tác viên lên 191 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các ngành làm cộng tác viên TGPL với Trung tâm. Trong đó, có 87 người đang công tác tại các cơ quan cấp tỉnh, 71 người công tác tại các cơ quan cấp huyện và 33 người cộng tác viên cấp cơ sở đã góp phần không nhỏ vào hoạt động TGPL của Trung tâm. Đến nay, Trung tâm đã thành lập 69 câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh,. Trong đó có 26 câu lạc bộ TGPL thuộc các huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ; 03 lớp tập huấn bồi dưỡng “ Cập nhật kiến thức và kỹ năng TGPL cho các cộng tác viên và thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ TGPL”.
Từ những kết quả nói trên cho thấy hoạt động TGPL đem lại những lợi ích thiết thực cho người được THPL nói chung và cho người dân nói chung. Tuy vậy, thực tế hiện nay một bộ phận không ít người dân có vướng mắt về pháp luật nhưng được cập nhật, hỗ trợ bởi các hoạt động động TGPL bởi các nguyên nhân như sau: Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi điều kiện vật chất và các phong tục còn lạc hậu nhận thức pháp luật chưa theo kịp với quá trình phát triển, các địa phương vùng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa. Bởi vậy việc tăng cường các hoạt động TGPL là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Với sự mệnh đó cán bộ, công nhân viên Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu đạt nhiều thành tựu hơn nữa góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc pháp luật luật nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn tỉnh..
Xuân Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét