Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Nghị định 171/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt

  Trong những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đã và đang trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và với những quy định về mức phạt về tiền rất cao đối với mỗi hành vi vi phạm, đồng thời áp dụng những biện pháp bổ sung như tịch thu bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt buộc khắc phục hậu quả hành vi vi phạm, nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Hơn thế theo suy nghĩ của nhiều người dân thì việc nâng cao mức xử phạt này dễ dẫn tới tình trạng mãi lộ theo kiểu ”Đôi bên cùng có lợi”. Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, nhằm khắc phục những khiếm khuyết, bất hợp lý của các Nghị định trước đây.
      Từ những sửa đổi phù hợp
Nhìn chung, mức xử phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP không tăng mà được giữ nguyên như các Nghị định trước đây, thậm chí có một số hành vi vi phạm còn được giảm mức phạt như: phạt người điều khiển ôtô chở khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc có gắn nhưng thiết bị không hoạt động giảm từ 2 - 3 triệu xuống còn 1 - 2 triệu đồng; hay đối với quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe, mức phạt giảm xuống còn 100.000đ đến 200.000đ với mô tô, xe máy (mức phạt trước đây là 800.000đ đến 1.200.000đ) và 1.000.000đ đến 2.000.000đ với ô tô (mức phạt trước đây là 6.000.000đ đến 10.000.000đ). Thời điểm áp dụng quy định xử phạt này theo lộ trình: đối với xe ô tô bắt đầu phạt từ 01/01/2015; mô tô, xe máy bắt đầu phạt từ 01/01/2017; đồng thời, giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.

      Đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn 7 ngày (trước đây là 10 ngày). Các trường hợp tạm giữ cũng giảm từ 61 hành vi (theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP) nay chỉ còn 53 hành vi, theo đó các trường hợp người điều khiển xe ô tô không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ không bị tạm giữ phương tiện. Nghị định mới ban hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ…
      Và bổ sung các quy định mới
      Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng quy định thêm một số hành vi mới bị xử phạt như: điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước).
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm cũng được mô tả chi tiết, cụ thể hơn, giúp cho việc xác định hành vi vi phạm được chính xác hơn. Có thể lấy ví dụ quy định về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải như “không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định”“không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách”… thay vì quy định chung như trước đây là “không bảo đảm các điều kiện về kinh doanh vận tải”. Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô cũng được quy định rõ hơn: vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.
       Hy vọng, với những thay đổi đột phá trong Nghị định mới này sẽ giúp cải thiện tình trạng giao thông hiện nay, giải được bài toán khó cho sự phát triển hạ tầng giao thông đường bộ của nước nhà. /.

Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Thu Thủy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét