Recent Posts

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Hỏi về bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng lao động

 Tóm tắt câu hỏi:
          Tôi có một người em ký kết hợp đồng lao động và đi lao động ở Đài Loan. Sau một thời gian, gia đình nhận được thông báo của Công ty nơi cô ấy làm việc là cô ấy đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc của mình.

Gia đình cũng không biết rõ lý do tại sao cô ấy lại bỏ trốn như vậy. Luật sư cho hỏi cô ấy có bị xử phạt gì không và quy định như thế nào trong Luật? Cảm ơn.

  Luật sư tư vấn: 
  Về câu hỏi của bạn, Luật sư xin được tư vấn như sau: 
1. Về hành vi bỏ trốn của em bạn:
Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định về các hành vi bị cấm như sau:
“1. Cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) cho doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
2. Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3. Giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người đã quản lý doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoặc người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.
5. Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài.
6. Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.
7. Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
8. Sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
9. Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động.
10. Lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật.
11. Gây phiền hà, cản trở, sách nhiễu người lao động hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.”
Như vậy, hành vi của em bạn bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc của mình là một trong các hành vi bị cấm đối với người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài và trái với quy định của pháp luật.
2. Về mức độ xử phạt đối với hành vi của em bạn:
Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:
“2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;
b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;
c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng;
d) Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này;
b) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều này.”
Như vậy, đối với hành vi của em bạn, em bạn sẽ phải:
  • Bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu.
  • Buộc phải về nước, rời khỏi nước đang lao động.
  • Không được đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai năm.

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Hỏi về quy trình thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau

 Tóm tắt câu hỏi:      
         Xin chào , tôi có một vấn đề cần tư vấn như sau: Khi tôi bị đau ốm nằm ở bệnh viện, tôi xin nghỉ làm việc ở công ty từ ngày 27/6 cho đến ngày 4/7/2013. Tôi được hưởng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên, tôi đã nộp giấy ra viện và giấy nghỉ ốm theo đúng quy định của pháp luật nhưng đến bây giờ là ngày 10/10/2013 mà tôi vẫn chưa thấy công ty giải quyết thanh toán tiền bảo hiểm cho tôi. Xin hỏi về quy trình thanh toán bảo hiểm xã hội khi nghỉ ốm như thế nào?

Luật sư tư vấn:
Về câu hỏi của bạn, luật sư xin tư vấn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn bị ốm phải vào viện điều trị và bạn đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ốm đau theo quy định của pháp luật. Bạn đã nộp giấy ra viện và giấy nghỉ ốm theo đúng quy định của pháp luật nhưng đến bây giờ là ngày 10/10/2013, bạn vẫn chưa thấy công ty giải quyết thanh toán tiền bảo hiểm. Như vậy, hành vi của công ty bạn là không đúng với quy định của pháp luật.
Điều 117 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định:
“1. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động quy định tại Điều 112 và Điều 113 của Luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.
2. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho tổ chức bảo hiểm xã hội theo quy định tại các điều 112, 113 và 116 của Luật này.
3. Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau bao gồm:
- Đối với bản thân người lao động:
+ Sổ bảo hiểm xã hội.
+ Giấy xác nhận nghỉ ốm đối với người lao động điều trị ngoại trú, giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú tại cơ sở y tế, giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
- Đối với người sử dụng lao động:
+ Xác nhận của người sử dụng lao động về điều kiện làm việc đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên.
+ Giấy xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, kèm theo giấy khám bệnh của con đối với người lao động nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau.
+ Danh sách người nghỉ ốm và người nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau do người sử dụng lao động lập.
Như vậy, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của bạn về chế độ bảo hiểm ốm đau, công ty của bạn phải có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau cho bạn.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nên:
  • Kiểm tra và làm việc lại với cơ quan tiếp nhận hồ sơ của bạn, xem xét hồ sơ đã hợp lệ hay chưa.
  • Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì bạn bổ sung giấy tờ và hoàn thiện lại.
  • Trong trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì bạn làm đơn yêu cầu công ty giải quyết vấn đề trên theo đúng thời hạn quy định của pháp luật.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Tham gia bảo hiểm xã hội khi giao kết nhiều hợp đồng lao động

Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tham gia làm việc ở 02 Cty đều ký kết Hợp đồng lao động không thời hạn:
- Công ty 1: Tôi ký HĐLĐ được 14 tháng và Cty đã đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tôi đầy đủ.

- Công ty 2: Mặc dù đã ký kết HĐLĐ với tôi được 12 tháng nhưng lại không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tôi, mặc dù tôi đã yêu cầu phía công ty nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết.

Với trường hợp như trên thì tôi nên làm gì để đòi phía Công ty 2 phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho tôi. Và nếu Công ty 2 làm như vậy có vi phạm Bộ luật lao động hoặc Luật BHXH không ạ? Kính mong Công ty Luật Rubiclaw giải đáp giúp tôi trường hợp trên. Tôi mong sớm nhận được câu trả lời từ Công ty Luật Rubiclaw. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Điều 21 Bộ luật lao động 2012 quy định về trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động như sau:
“Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Trong trường hợp giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Theo điểm 1.3 khoản 1 Điều 53 Quyết định 1111/QĐ-BHXH: “Người lao động đồng thời có từ 2 HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHYT, BHTN theo HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc có mức tiền lương, tiền công cao nhất hoặc HĐLĐ, hợp đồng làm việc có thời gian dài nhất”.
Theo quy định trên thì bạn đươc đóng BHXH ở công ty ký kết hợp đồng lao động với bạn có mức tiền lương cao hơn. Khoản 3, điều 186 Bộ luật lao động 2012 quy định: Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.
Như vậy khoản tiền đáng lẽ được trích ra để chi trả Bảo hiểm xã hội cho bạn sẽ được công ty 2 trả luôn cùng với kỳ trả lương của bạn. Hợp đồng thứ 2 của bạn không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật bảo hiểm xã hội nên công ty 2 không có nghĩa vụ phải làm hồ sơ để đóng Bảo hiểm xã hội cho bạn.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Sử dụng nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài để kinh doanh

Tóm tắt câu hỏi:
Em hiện tại bắt đầu kinh doanh với sản phẩm hiện đã có nhiều trên thế giới rồi. Em muốn sử dụng hình ảnh của các công ty ở Mỹ để quảng bá cho sản phẩm của mình thì như thế có phải là vi phạm bản quyền không ạ? Họ không phải là người bán hàng của em. Chỉ là có cùng 1 loại sản phẩm giống nhau thôi ạ. Có luật nào quy định về điều này ko anh chị? Và nếu vi phạm em sẽ bị phạt như thế nào ạ? Cảm ơn anh/ chị rất nhiều!

Luật sư tư vấn:
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Về nguyên tắc, một nhãn hiệu hàng hóa chỉ được bảo hộ khi chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ ở quốc gia nào thì cũng chỉ có hiệu lực bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó, trừ khi quốc gia tham gia các Công ước quốc tế. Trong trường hợp này, cần phải xác định nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm trên đã được công ty của Mỹ đăng ký bảo hộ hay chưa. Chúng tôi đặt ra hai giải thiết sau:
  • Thứ nhất, nếu nhãn hiệu sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ tại Mỹ hoặc tại bất cứ quốc gia nào khác, bạn đương nhiên có quyền sử dụng mà không phải xin phép và cũng như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
  • Thứ hai, nếu nhãn hiệu hàng hóa trên đã được công ty của Mỹ đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, cần phải xem xét việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở Mỹ có đồng thời được bảo hộ ở Việt Nam hay không. Trước đây, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở Mỹ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ nước Mỹ. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập Công ước Pari ngày 8/3/1949, Việt Nam chính thức chịu sự điều chỉnh của Công ước này. Công ước Pari có khoảng 170 nước thành viên, cả Việt Nam và Hoa Kỳ (Mỹ) đều là thành viên của công ước này.
Công ước Paris quy định rằng đối với việc bảo hộ sở hữu công nghiệp, mỗi nước thành viên phải dành cho công dân của các nước thành viên khác sự bảo hộ tương tự như sự bảo hộ dành cho công dân của mình. Công ước Paris không quy định các điều kiện nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu mà dành việc này cho luật quốc gia của các nước thành viên.  Một khi nhãn hiệu được đăng ký tại một nước thành viên, đăng ký đó sẽ độc lập với đăng ký có thể có tại bất cứ nước thành viên nào khác, kể cả nước xuất xứ. Do đó, nếu đăng ký nhãn hiệu bị mất hiệu lực tại một nước thành viên thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu đó tại các nước thành viên khác.
Như vậy, nếu bạn tùy ý sử dụng nhãn hiệu hàng hóa các công ty của Mỹ cũng tương tự như việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam. Bạn có thể bị xử lý theo các biện pháp sau:
- Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.
         - Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 171 của Bộ luật Hình sự. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Có phải hoàn vốn kinh doanh cho người góp vốn khi làm ăn thua lỗ?

Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có một việc cần hỏi ý kiến luật sư như sau, mong luật sư bớt chút thời gian quý giá của mình giúp đỡ tôi giải quyết vấn đề. Tôi rất biết ơn: Vừa qua, với ý định mở sân patin, tôi có mời một người bạn góp vốn, số vốn là 20 triệu đồng, tôi bỏ ra 10 triệu đồng để đặt tiền cọc thuê sân. Người đứng ra viết giấy biên nhận tiền của bạn tôi đứng tên tôi, người viết giấy đặt cọc là vợ tôi.

Nội dung giấy biên nhận như sau "...(bỏ qua phần họ tên) Hôm nay ngày 22 tháng 4 năm 2013 tôi có nhận của anh Lê Duy Thiện 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng chẵn) để hợp tác kinh doanh. Trong thời gian kinh doanh 2 bên sẽ cùng nhau bàn bạc sử dụng số vốn trên. Trong trường hợp anh Thiện muốn rút vốn kinh doanh thì phải thông báo trước trong vòng 06 tháng."
Sau đó vì thủ tục thuê sân quá lâu, tôi và Thiện quyết định sẽ không thuê sân nữa. Khi đó đơn vị thuê sân cũng không trả lại tiền đặt cọc nữa. Như vậy số vốn đặt cọc ban đầu là 30 triệu không được hoàn trả. Hiện tại Anh Thiện cho rằng tôi phải có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ cho anh số tiền 20 triệu đó. Vậy theo Luật sư tôi phải giải quyết như thế nào là đúng ạ? Kính mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Vấn đề anh hỏi chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Thứ nhất, chúng tôi xác định việc anh đặt trước 30.000.000 đồng cho đơn vị cho thuê sân để thuê sân patin là giao dịch đặt cọc để bảo đảm việc giao kết và thực hiện hợp đồng thuê tài sản. Do sau đó các anh lại không thuê sân nữa nên đã vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng.
Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Như vậy nếu giữa bạn và đơn vị thuê sân không có thỏa thuận khác thì việc đơn vi thuê sân không trả lại số tiền 30.000.000 cho bạn là không vi phạm quy định của pháp luật.
Vấn đề cần phải xác định là khi giao kết giao dịch đặt cọc, bên đặt cọc chỉ ghi tên của anh hay ghi cả tên của anh Thiện. Nếu chỉ ghi tên anh thì rất khó để xác định việc đặt cọc để thuê sân có phải là sự bàn bạc, thống nhất giữa hai anh hay chỉ là ý chí đơn phương của mình anh. Như vậy, nếu muốn rút lại số vốn kinh doanh, anh Thiện chỉ cần báo trước 06 tháng là hoàn toàn không vi phạm sự thỏa thuận ban đầu của hai người.
Vì vậy, trong trường hợp này anh phải chứng minh được anh và anh Thiện đã có sự bàn bạc thống nhất khi quyết định thuê sân. Nếu chứng minh được, hai anh phải chịu trách nhiệm trên tỷ lệ phần vốn góp của mỗi người, anh không có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ số tiền trên cho anh Thiện.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Xử lý hành vi bạo hành gia đình

Tôi và chồng tôi đã li thân 2 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chồng tôi liên tục nhắn tin chửi mắng tôi toàn những từ thô tục và rất nhiều lời hăm doạ khác, đe doạ sẽ làm cho tôi mất việc làm, phá xe, đập điện thoại....Vậy bây giờ tôi phải làm sao để chấm dứt việc này? 

Công ty xin tư vấn cho bạn như sau:
Tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi bạo lực gia đình có quy định:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”
Như vậy, mặc dù bạn và chồng bạn chưa đăng ký kết hôn mà chỉ sống với nhau như vợ chồng nhưng theo quy định của pháp luật nói trên thì những hành động hành hung của chồng bạn đối với bạn như nhắn tin chửi mắng  toàn những từ thô tục và rất nhiều lời hăm doạ khác, đe doạ sẽ làm cho mất việc làm, phá xe, đập điện thoại...là những hành vi bạo lực gia đình, những hành vi của chồng bạn là những hành vi bị cấm theo Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn bạn trở thành nạn nhân bạo lực gia đình. Theo Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì bạn có các quyền sau đây:
“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”
Theo đó, nếu muốn chấm dứt tình trạng bị chồng bạn hành hung, hăm dọa thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bạn. 

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Thủ tục ly hôn vắng mặt

Em tôi là người Việt Nam kết hôn với chồng là người Đức. Do mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng nên cả hai đồng ý ly hôn với nhau và thống nhất chọn Toà án Việt Nam xét xử. Hiện em tôi đang sinh sống tại Việt Nam, chồng của cô ấy sinh sống ở Đức và không thể về Việt Nam để làm thủ tục ly hôn. Xin hỏi em tôi có thể làm thủ tục ly hôn vắng mặt được không? Chồng em gái cần thực hiện thủ tục, giấy tờ gì, cơ quan nào có thẩm quyền bên Đức xác nhận?

Xin tư vấn bạn như sau:
Theo điểm c, khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 3, Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Với trường hợp này, khi người chồng bên Đức không thể về Việt Nam làm thủ tục ly hôn thì người vợ có quyền yêu cầu người chồng làm đơn ly hôn vắng mặt gửi về Việt Nam. Người chồng phải làm đơn xin ly hôn vắng mặt có nội dung:
- Người chồng đồng ý ly hôn với người vợ và nói rõ nguyện vọng về con chung, tài sản chung (nếu có);
- Nói rõ lý do vắng mặt và yêu cầu Tòa án Việt Nam xử vắng mặt.
- Cam kết sẽ không tranh chấp hay khiếu nại gì về sau.
Sau đó đem đi chứng thực chữ ký tại cơ quan có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận của Bộ Ngoại giao Đức và gửi về Việt Nam cho người vợ. Khi nhận được đơn của chồng, người vợ đến Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đức tại Việt Nam để thị thực. Giấy tờ gồm có: Hộ chiếu bản gốc, thẻ cư trú.
Sau đó đến Sở Ngoại vụ để hợp pháp hóa lãnh sự khi đi đem theo giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa 2 người và sau cùng là đến Phòng công chứng để dịch thuật toàn bộ văn kiện sang tiếng Việt.
Khi đã có đơn xin ly hôn vắng mặt hợp lệ của chồng, người vợ nộp kèm với bộ hồ sơ đơn xin ly của mình gồm:
- Đơn xin ly hôn
- Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính)
- Bản sao sổ hộ khẩu
- Chứng minh nhân dân
- Giấy khai sinh con (nếu có)
Cơ quan thụ lý hồ sơ: Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người vợ cư trú để xin giải quyết ly hôn. Xét xử xong, Tòa án sẽ gửi bản án cho người chồng, nếu chồng đồng ý với bản án thì làm giấy cam kết không kháng cáo gửi cho Tòa (giấy này cũng phải làm như quy trình của đơn xin ly hôn vắng mặt nói trên). Khi nhận được giấy cam kết không kháng cáo hợp lệ, Tòa án sẽ cấp bản án có hiệu lực cho các đương sự. Trường hợp người chồng không nhận được bản án hoặc không làm giấy cam kết theo hướng dẫn của tòa án thì sau 3 tháng kể từ ngày gửi bản án cho người chồng (theo dấu bưu điện) Tòa án sẽ cấp bản án có hiệu lực cho người vợ.

Trình tự, thủ tục giải quyết xin ly hôn:
- Em gái của bạn phải liên hệ Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi em gái bạn đăng ký nhân khẩu thường trú để nộp hồ sơ xin ly hôn. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Toà án nhân dân có thẩm quyền nhận được hồ sơ xin ly hôn hợp lệ của em gái bạn, thì Toà án sẽ có thông báo cho em gái bạn thực hiện việc nộp tạm ứng án phí xin giải quyết ly hôn. Sau khi nộp lại biên lai tạm ứng án phí ly hôn cho toà, thì thời điểm nộp lại biên lai này được xem là thời điểm Toà án đã thụ lý hồ sơ xin ly hôn của em gái bạn.
- Thời hạn giải quyết một nột vụ việc yêu cầu xin ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định hiện nay kéo dài khoảng 6-8 tháng vì trong quá trình giải quyết Toà án nhân dân có thẩm quyền phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp qua lại giữa cơ quan tư pháp của hai nước Việt Nam và Đức.