Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Hỏi về vay tiền

Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho tôi hỏi: tôi có vay công ty tài chính PPF số tiền là 35.000.000 đồng và đóng 3.086.000 đồng 1 tháng trong vòng 2 năm. Tính luôn vốn và lãi là 74.062.000 đồng.

Hiện tại tôi đã đóng được 10 tháng với số tiền là 30.860.000 đồng, nhưng do hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn nên không thể chi trả nổi nữa.Vậy nếu tôi không đóng tiền đúng trong hợp đồng, tôi có bị truy tố dân sự hay hình sự hoặc cưỡng chế tài sản hay không (lúc vay tôi không có thế chấp tài sản).
Luật sư tư vấn:
Với những thông tin mà bạn cung cấp, Luật sư xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
    Trong tình huống, bạn không nói rõ bạn vay tiền công ty tài chính PPF với lãi suất là bao nhiêu. Tuy nhiên, dựa theo số tiền vay và số tiền phải trả, có thể tính được trong trường hợp này, lãi suất mà bạn phải trả cho công ty PPF là 55,8%/năm.  Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 thì:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi xuất, áp dụng lãi xuất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

    Như vậy, những hành vi cho vay với lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng thì là hành vi cho vay nặng lãi.
    Theo Điều 1 Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “quy định mức lãi suất bằng đồng Việt Nam là 9%/năm”. Do đó, nếu lãi suất cho vay cao hơn 13,5%/năm thì đó là hành vi cho vay nặng lãi.
    Như vây, với trường hợp của bạn thì công ty PPF đã vi phạm pháp luật, hành vi cho bạn vay tiền của công ty PPF là hành vi cho vay nặng lãi.
    Hiện nay, đối với hành vi cho vay nặng lãi, pháp luật có các hướng xử lý như sau:
   - Theo pháp luật dân sự
   Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật dân sự về việc áp dụng lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự nói trên. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, pháp luật không thừa nhận và bảo về quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp các bên không thống nhất với nhau được về mức lãi suất, bên nhận vay có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự.
   - Theo pháp luật Hình sự
    Điều 163, Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định về tội cho vay nặng lãi như sau:
   “1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
    2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
   3. Người phạm tội cón có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.”
    Đối chiếu với hành vi cho vay nặng lãi của công ty PPF thì hành vi này của công ty chưa đủ cấu thành tội Cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Do đó, hành vi của công ty sẽ bị xử lý về dân sự. Theo đó, khi có tranh chấp xảy ra, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa, khi xảy ra tranh chấp, đối với số tiền lãi, bạn chỉ phải trả lãi cho công ty với mức tối đa là 13,5%/năm. Cụ thể thì số tiền lãi mà bạn phải trả đối với số tiền vay 35000000  với mức lãi suất 13,5%/năm là 9.450.000. Tức là, tổng số tiền bạn phải trả cho công ty PPF trong hai năm là 35.000.000 + 9.450.000 = 44.450.000. Vì bạn đã trả được 30.860.000 nên nếu có tranh chấp, bạn phải tiếp tục trả cho công ty PPF là 13.590.000. Nếu bạn không trả số tiền này mà công ty PPF kiện bạn, thì lúc này Tòa án sẽ buộc bạn phải trả nợ, nếu bạn không có tiền để trả thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên tài sản của bạn để trả nợ.
    Trên đây là một số quan điển tư vấn của chúng tôi, hy vọng bạn có thể giải quyết được tốt nhất trường hợp của mình. Lãi suất 55,8%/năm mà chúng tôi tính được là dựa trên số tiền vay và số tiền bạn phải trả mà bạn đã cung cấp. Bạn nên xem kỹ lại hợp đồng vay và xác định lãi suất vay là bao nhiêu, từ đó xác định hành vi của công ty PPF có phải là hành vi cho vay nặng lãi hay không, từ đó mới có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Chúc bạn thành công!

------------------------------
Chú ý: Bài viết trên có trích dẫn một số quan điểm pháp lý, các quy định của pháp luật, ý kiến tư vấn pháp lý của các chuyên gia, luật sư và chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên tất cả các ý kiến và quy định trích dẫn chỉ mang tính tham khảo. Các văn bản pháp luật được dẫn chiếu có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được thay thế tại thời điểm tham khảo bài viết. Bạn đọc tham khảo bài viết, người truy cập, khách hàng…không được coi đó là ý kiến pháp lý chính thức để vận dụng vào các trường hợp cụ thể. Để có được ý kiến pháp lý cho từng trường hợp một các chính xác nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH
715 Trần Hưng Đạo - Thành phố Quy Nhơn - Bình Định

 Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
 Trân trọng./.
Ông: Huỳnh Văn Chưa - Giám đốc Trung tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét