Tóm tắt câu hỏi:
Xin trình bày với Quý công ty như sau: Hai vợ chồng tôi ly hôn sắp được 1 năm. Con trai tôi tháng 10 là đủ 3 tuổi. tôi muốn được tư vấn về quyền nuôi con.
Tôi hiện công tác tại Liên đoàn lao động tỉnh (ở thành phố) có nhà riêng thu nhập ổn định, vẫn qua lại quan tâm hỏi thăm và chu cấp theo đúng quy định, gia đình gia giáo. Bên vợ ở huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, cũng có nhà riêng, cũng công việc ổn định, ông bà ngoại bỏ nhau từ hồi vợ tôi còn nhỏ. Ngoài phần thời gian trên lớp phần lớn thời gian ở với bà ngoại, Bà ngoại là giáo viên mầm non về hưu, nhưng tư tưởng không cầu tiến, bảo thủ. Hiện đang có tình trạng dạy bảo tư duy không tốt cho cháu. Xin tư vấn làm sao để giành được quyền nuôi con.
Luật sư tư vấn:
Về câu hỏi của bạn, Luật sư xin đưa ra quan điểm như sau:
*Tư vấn dành quyền nuôi con:
Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn, tại khoản 2 quy định:
“Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trong trường hợp này, nếu hai bên không có thỏa thuận thì chỉ khi con trai bạn đã được 3 tuồi thì bạn mới có thể giành quyền nuôi con. Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định:
“Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.”
Như vậy, để được giành quyền nuôi con, bạn cần chứng minh bên vợ (cụ thể là người trực tiếp nuôi con bạn) không đảm bảo được quyền lợi mọi mặt cho con (sức khỏe, việc học tập, sinh hoạt…) và bạn có đủ điều kiện để đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con hơn vợ bạn thì Tòa sẽ căn cứ vào đó để ra phán quyết.
*Thủ tục khởi kiện dành quyền nuôi con tại tòa:
Để tiến hành thủ tục khởi kiện đòi quyền nuôi con, bạn phải gửi đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi mẹ cháu đang cư trú. Có thể nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.
Đơn khởi kiện phải bao gồm các nội dung theo quy định Khoản 2 Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự 2004:
“a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
i) Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
k) Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
l) Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét