Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh chị, em có một vấn đề muốn hỏi anh chị như sau:
Em có một người bạn năm nay 15-16 tuổi. Bố mẹ bạn ấy đã ly hôn và hiện bạn ấy ở với mẹ. Ở nhà bạn ấy hay bị la mắng, lăng nhục, xúc phạm và đánh đập. Có lần bạn ấy bỏ nhà đi nhưng bị lôi về và tiếp tục bị đối xử thô bạo như trên. Em không biết phải giúp đỡ bạn ấy như thế nào. Mong anh chị giúp đỡ.
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, qua thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi đưa ra quan điểm như sau:
Trước hết chúng tôi xác định người bạn của bạn là người chưa thành niên theo quy định tại Điều 18, Bộ luật dân sự 2005. Theo đó:
“Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”.
Trong trường hợp bạn đưa ra, người bạn của bạn đã và đang bị mẹ của mình xúc phạm và đối xử thô bạo. Đây là hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái theo quy định tại Điều 41, Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó: Khi cha, mẹ […] có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con […] thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của các cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con […] trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
Những cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42, Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm:
- Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên;
- Viện kiểm sát;
- Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của bạn mình, bạn có thể thông báo về việc bạn mình thường xuyên bị mẹ xúc phạm, đánh đập cho bố hoặc những người thân thích (ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh ruột, chị ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột) của người bạn trên biết. Từ đó, họ có thể yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế một số quyền của cha, mẹ với con chưa thành niên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét