Cầm tờ giấy báo nhận bưu phẩm trên tay, anh Huỳnh Ngọc Quý mừng vui khôn xiếc. Chưa kịp báo với anh Minh chủ cơ sở sản xuất, anh liên lên xe lăn tay, vội vàng đến Bưu điện Trung tâm của tỉnh để nhận quà. Với anh, mọi ngày con đường đi qua đây không có gì là xa lạ, vì chỉ cách nơi ở và làm việc của anh chưa đầy 2 Km. Nhưng hôm nay, hình như con đường được kéo dài thêm, để thử thách lòng kiên nhẫn và niềm vui bất tận.
Đến trước cửa Trung tâm Bưu điện, anh được những người tốt bụng dìu lên các bậc tam cấp để đến với quầy nhận bưu phẩm.
- Thưa chị, tôi có cái giấy này.
Do anh bị bại liệt đôi chân, nên chị nhân viên bưu điện phải chồm người ra khỏi quầy để nhìn người vừa hỏi và với tay cầm lấy tờ giấy báo.
- Anh có đem theo Chứng minh nhân dân không?
- Dạ…không có chị ạ.
- Vậy anh về lấy Chứng minh nhân dân hoặc đem về UBND phường nơi anh ở để xác nhận, chúng tôi sẽ trao bưu phẩm cho anh.
- Thưa chị…tôi tưởng cái giấy này là đủ rồi chớ.
- Không anh ạ ! Anh phải có giấy tờ để chứng minh là chủ nhân của bưu phẩm, thì chúng tôi mới giao hàng được ạ!
Lúc này, ngoài trời có lẽ trên 37 độ, nhưng sao trong người anh cứ như lạnh run. Từ khi sinh ra đến nay đã trên 44 tuổi đời, anh nào có biết một thứ giấy tờ gì đâu? Ngày cả quê quán, cha, mẹ là ai anh cũng không biết. Khi đã có ý thức anh mới biết mình lúc mới sinh ra ở nhà chùa, do một nhà sư nuôi nấng và đặt cho cái tên rất hay: Huỳnh Ngọc Quý. Sau đó, được sống ở Cô Ký Nhi viện tại Quy Nhơn. Sau năm 1975 nơi đây giải thể. Thế là cuộc đời anh lưu lạc, tha phương từ đây. Để phải sống, anh đã vừa học, vừa làm đủ nghề. Nay đây, mai đó. Lấy mái hiên, vỉa hè làm nhà. Hầu như các tỉnh, thành phía nam nơi nào anh cũng đã đến. Nhưng có lẽ cuộc sống êm đềm, hạnh phúc nhất đối với anh hiện nay là được làm việc ở cơ sở sửa chữa, lắp ráp xe máy của người tàn tật ở Quy Nhơn. Với anh như thế là quá đủ rồi, còn biết chi đến các loại giấy tờ gì khác. Nên khi nghe hỏi về giấy chứng minh nhân dân hay phải đi xác nhận ở địa phương thì ai biết đâu mà làm.
Lục lại trong ký ức về sự thân quen, thử xem có ai hiểu biết để còn nhờ họ hướng dẫn làm giúp. May quá ! Chắc là Nhà báo làm được. Anh liền đến với Ngọc Diên, phóng viên Báo Bình Định. Là người nhiệt tình, năng nổ nhất là đối với người tàn tật. Ngọc Diên không nề hà khó khăn gì, nhưng trong trường hợp này, đúng là điều kiện quá khó xử. Sau một hồi suy nghĩ, Ngọc Diên đánh bạo đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh xem sao?
Trong người anh Quý gần như không có một loại giấy tờ gì, chỉ bằng lời kể chuyện làm sao có được các loại giấy tờ tùy thân. Nhưng Trung tâm từ chối thì anh Quý sẽ phải làm gì để nhận được gói bưu phẩm kia. Điều quan trọng hơn là niềm tin của anh vào cuộc sống sẽ ra sao, khi là một công dân không được thừa nhận! Sau khi tiếp nhận vụ việc, Giám đốc Trung tâm cử Luật sư cộng tác viên cùng với một Trợ giúp viên của Trung tâm để thực hiện các công việc. Bước đầu tiên phải đến với Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi để xác nhận tình trạng của anh Quý. May mắn thay, các bước sau đó đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm Giấy khai sinh muộn. Tiếp đến phải đến gặp gỡ người quen biết anh Qúy lâu nay để đăng ký tạm trú. Thấy hoàn cảnh của anh Quý, không cha mẹ, không người thân thích, tính tình hiền lành chịu khó. Mặc dù đôi chân bị bại liệt, đi lại rất khó khăn, nhưng khi ai đó nhờ vào việc gì anh đều sẵn lòng giúp đỡ. Do vậy những người xung quan ai cũng thương mến. Sau khi hoàn thành các thủ tục, Trợ giúp viên đưa anh Quý đến với nơi làm chứng minh nhân dân. Không phải chờ đợi lâu, chỉ sau gần một tháng đã cầm trên tay tấm giấy chứng minh nhân dân. Hôm Trung tâm tổ chức trao, nhà báo Ngọc Diên hỏi cảm tưởng của anh, thì chỉ nhận được dòng nước mắt lăn dài trên gò má. Hồi lâu sau, anh mới nói lên được đôi lời cảm tưởng. Đối với anh khi nhận được cho mình các loại giấy tờ, từ Giấy khai sinh, hộ khẩu tạm trú, chứng minh nhân dân là cả sự nghiệp của đời người. Nhưng lớn hơn vẫn là niềm tin vào cuộc sống, vào tình người và Nhà nước.
Huỳnh Văn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét