Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Hỏi về tranh chấp thừa kế đất đai

Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình cháu gồm có Bà nội, Bố mẹ và cháu sống cùng nhau trên một mảnh đất rộng 360m2 có bề ngang 13.5m. Mảnh đất này trước đây được đổi từ một mảnh đất cũ của Ông nội. Ông Nội cháu có 4 người con. Ông nội tham gia kháng chiến và mất năm 1973 và không để lại di chúc. Bà nội và bố cháu sinh sống trên mảnh đất cũ của Ông nội để lại nhưng do việc đi lại kho khăn nên Bà Nội đã ủy quyền cho Bố cháu đứng ra đổi lấy mảnh đất hiện nay đang ở để thuận tiện đi lại và cho phép bố cháu đứng tên trên sổ địa chính để sử dụng mảnh đất này từ năm 1983 và cũng đồng ý là cho Bố cháu vì bà bảo là bà sống với bố mẹ cháu và nhập hộ khẩu cùng với gia đình cháu ( Lúc đó cũng có viết giấy ủy quyền nhưng Bố cháu ra hỏi địa chính xã thì họ bảo giấy tờ thời pháp đó đã bị mất) và các con của bà cũng không có ý kiến gì. Bố mẹ cháu đã tiến hành xây dựng nhà cửa gồm một ngôi nhà hai tầng và một ngôi nhà một tầng. Gần đây bố cháu tiến hành làm sổ đỏ mang tên bố cháu, đang trong quá trình làm sổ đỏ thì Cô cháu từ xa về bảo là đòi chia đất. Nhưng bố cháu không đồng ý và Bố cháu cũng hỏi ý kiến của bà thì bà vẫn đồng ý cho đất bố cháu. Thưa Luật sư cho cháu xin hỏi những câu hỏi sau:
1. Bố cháu có được phép đứng tên làm sổ đỏ hay không? Khi cháu ra xã hỏi địa chính xã thì họ bảo là làm cho bà trước sau đó mới chuyển được sang cho bố cháu. Liệu Bố cháu có đủ điều kiện để làm sổ đỏ trực tiếp mang tên mình hay không?
2. Việc cô và hai người con còn lại của Bà đòi chia tài sản thừa kế như sau: 1/2 phần đất của Bà sẽ cho Bố cháu, còn 1/2 của Ông nội thì các bác bảo chia cho 3 người con nhưng không có phần của Bố cháu thì theo quy định của pháp luật có đúng không? và nếu chia theo pháp luật thì Bố mẹ cháu được như thế nào?( mảnh đất có diện tích 360m2, bề ngang 13.5m)
( Trong trường hợp này Bà Nội cháu bảo phần của Bà cho Bố mẹ cháu)
3. Tài sản Bố mẹ cháu xây trên mảnh đất đó sẽ được đền bù ra sao?
Luật sư tư vấn:
Chào bạn! Thắc mắc của bạn chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Điều 50 Luật đất đai 2003 quy định hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có một trong những giấy tờ sau:
a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
Theo thông tin bạn cung cấp thì từ năm 1983, bố bạn đứng tên trên sổ địa chính để sử dụng mảnh đất. Do vậy bố bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được trực tiếp đứng tên trên giấy nếu Uỷ ban nhân dân xã xác nhận đó là đất không có tranh chấp.
2. Do bạn không nói cụ thể mảnh đất được ông nội bạn đổi trước khi kết hôn với bà nội bạn hay sau khi kết hôn nên không đủ căn cứ để xác định mảnh đất là tài sản riêng của ông nội bạn hay tài sản chung của ông bà nội bạn. Do vậy chúng tôi đưa ra hai hướng giải quyết như sau:
-     Thứ nhất, nếu mảnh đất được xác định là tài sản riêng của ông nội bạn thì toàn bộ 360m2 đất trên được xác định là khối di sản thừa kế của ông nội bạn để lại. Do ông nội bạn không để lại di chúc nên khối di sản trên được chia theo pháp luật, tức là chia theo hàng thừa kế. Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hàng thừa kế như sau:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định tại điều 676 Bộ luật dân sự 2005, bà nội bạn và 4 người con của ông bà thuộc hàng thừa kế thứ nhất, do vậy sẽ được hưởng khối di sản bằng nhau, cụ thể mỗi người được 360/5 = 72m2.. Bố bạn được 72m2 của mình và 72m2 do bà nội cho là 144m2.
Như vậy trong trường hợp mảnh đất là tài sản riêng của ông nội bạn nếu chia theo thoả thuận của cô chú bạn thì bố bạn sẽ có lợi hơn.
-     Thứ hai, nếu mảnh đất 360m2 là tài sản chung của ông bà nội bạn thì di sản ông bạn để lại chỉ là ½ mảnh đất, ½ còn lại thuộc quyền sử dụng của bà nội bạn. Theo đó, nếu chia theo pháp luật, phần di sản mà mỗi người được hưởng từ ông nội của bạn là: (360/2)/5 = 36m2..
Trong trường hợp này, diện tích đất bố bạn có quyền sử dụng là 36m2 (thừa kế từ ông nội) + 36m2 (của bà nội thừa kế từ ông và cho bố bạn) + 180m2 (1/2 mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bà nội bạn trong khối tài sản chung và cho bố bạn) = 252m2.
Như vậy trong trường hợp mảnh đất là tài sản chung của ông bà bạn thì bố bạn sẽ được hưởng nhiều hơn so với những gì cô chú bạn thoả thuận.
Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng ông bạn mất năm 1973, nghĩa là cho đến thời điểm hiện tại thì quyền khởi kiện về thừa kế cũng đã hết thời hiệu (thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là 10 năm), do vậy nếu bố và bà nội bạn không thừa nhận tài sản thừa kế là tài sản chung thì toà cũng không có căn cứ để giải quyết việc chia thừa kế theo nghị quyết 02/2004/NĐ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Nếu mảnh đất bố bạn đang sử dụng bị chia thừa kế thì do tính chất không thể tách rời gữa đất và tài sản gắn liền với đất nên có thể giải quyết theo hai hướng (trong trường hợp vụ án tranh chấp di sản thừa kế được Toà án thụ lý giải quyết):
-     Bố bạn và cô chú bạn thoả thuận bố bạn đứng tên sử dụng toàn bộ mảnh đất, theo đó bố bạn phải thanh toán cho cô chú bạn phần chi phí tương ứng với quyền sử dụng đối với phần đât cô chú bạn được thừa kế.
-     Nếu bố bạn và cô chú bạn không thoả thuận được thì cơ quan thi hành án kê biên mảnh đất để thi hành án, Khoản 2 Điều 113 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
“2. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất đã kê biên thì Chấp hành viên xử lý tài sản cùng với quyền sử dụng đất.
3. Đối với tài sản là cây trồng, vật nuôi ngắn ngày chưa đến mùa thu hoạch hoặc tài sản đang trong quy trình sản xuất khép kín chưa kết thúc thì sau khi kê biên, Chấp hành viên chỉ tiến hành xử lý khi đến mùa thu hoạch hoặc khi kết thúc quy trình sản xuất khép kín.”
Khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thông thường sau khi kê biên, tài sản sẽ được mang bán đấu giá và phân chia lại một cách hợp lý, nếu bố bạn có giấy chứng nhận quyền sở hữu những tài sản gắn liền với đất thì đương nhiên số tiền bán tài sản trên thuộc về bố bạn.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn.
------------------------------
Chú ý: Bài viết trên có trích dẫn một số quan điểm pháp lý, các quy định của pháp luật, ý kiến tư vấn pháp lý của các chuyên gia, luật sư và chuyên viên tư vấn. Tuy nhiên tất cả các ý kiến và quy định trích dẫn chỉ mang tính tham khảo. Các văn bản pháp luật được dẫn chiếu có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được thay thế tại thời điểm tham khảo bài viết. Bạn đọc tham khảo bài viết, người truy cập, khách hàng…không được coi đó là ý kiến pháp lý chính thức để vận dụng vào các trường hợp cụ thể. Để có được ý kiến pháp lý cho từng trường hợp một các chính xác nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH
715 Trần Hưng Đạo - Thành phố Quy Nhơn - Bình Định

 Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
 Trân trọng./.
Ông: Huỳnh Văn Chưa - Giám đốc Trung tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét