Minh Họa |
Ông Phan Thanh Sang, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát có hỏi: “Bản di chúc thường là của những người già cao tuổi, chữ nghĩa nhá nhem: Nhờ người khác viết giúp có được không? Và sau khi lập thành văn bản, đem đi đánh máy và ký chỉ, lăn tay trên tờ đánh máy đó có hợp pháp không?”.
Chúng tôi xin được trao đổi với ông một số nội dung như sau:
Trước hết cần phải hiểu: Di chúc là gì? Di chúc có phải chỉ do người già để lại hay không? Trường hợp nào di chúc hợp pháp. Theo quy định tại Điều 646 Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Về hình thức, thì: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”. Như vậy trong trường hợp di chúc của ông, về hình thức là di chúc bằng văn bản. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005, thì di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Để bản di chúc được hợp pháp, phải đảm bảo các điều kiện sau:
Một là: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
Hai là: Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, Di chúc được coi là hợp pháp, phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Trên đây là một số nội dung, chúng tôi xin được trao đổi về trường hợp di chúc bằng văn bản. Ông có thể tìm hiểu thêm về trường hợp thừa kế theo di chúc được quy định tại các Điều từ 646 đến 673, Chương 23 Bộ Luật Dân sự năm 2005./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét