Chi nhánh số 2 |
Thực hiện Kế hoạch trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2011, với nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường thực hiện TGPL theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc ở các huyện nghèo, đồng thời bảo đảm việc tiếp tục thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo về TGPL cho người dân ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và các xã vùng bãi ngang ven biển. Từ đầu năm đến nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi nhánh TGPL ở các huyện đã tổ chức 58 đợt TGPL lưu động, tại 119 thôn, làng, khu dân cư ở 56 xã của 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, đã tổ chức 114 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, phục vụ cho 7.025 lượt người dân đến tham dự. Ngoài ra, Trung tâm và các Chi nhánh còn tiếp nhận và thực hiện tư vấn pháp luật cho 867 trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, tiếp nhận và thực hiện tham gia tố tụng cho gần 100 vụ án hình sự, chủ yếu là cho đối tượng người chưa thành niên. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thực hiện thành công nhiều vụ thực hiện đại diện ngoài tố tụng. Đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm và các Chi nhánh đã đưa các hoạt động TGPL đến những điểm “nóng” nơi có nhiều vướng mắc pháp luật của người dân…góp phần giải tỏa các vướng mắc pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã thành lập mới 07 câu lạc bộ TGPL, nâng tổng số câu lạc bộ hiện nay lên 62 câu lạc bộ TGPL. Về củng cố tổ chức theo Đề án nâng cao năng lực thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của UBND tỉnh giai đoạn 2008-2010. Đến nay ngoài lãnh đạo, Trung tâm đã thành lập 02 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, 05 Chi nhánh TGPL ở các huyện, với tổng số là 22 biên chế. Cùng tham gia thực hiện TGPL, ngoài đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm và các chi nhánh, còn có 170 Cộng tác viên TGPL, trong đó có cả các Luật sư cộng tác viên, các chuyên viên pháp lý đang công tác các ngành và các địa phương, cơ sở.
Điềm nổi bật, trong việc tổ chức thực hiện TGPL trong những tháng đầu năm nay là mặc dù kinh phí giành cho việc thực hiện Quyết định 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của năm 2011 chưa được cấp, nhưng với tinh thần chủ động tiến công, cán bộ viên chức của Trung tâm đã đảm bảo thực hiện có kết quả các hoạt động TGPL trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đã tổ chức thành công các đợt lưu động trên. Việc tổ chức tốt các hoạt động TGPL, nhất là tổ chức lưu động ở các xã thuộc Chương trình Nghị quyết 30a, các xã đặc biệt khó khăn đã góp phần đem lại những hiệu ứng tích cực trong việc dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bước đầu hình thành thói quen xử sự trong cộng đồng dân cư theo các quan hệ pháp luật, bình đẳng, công bằng xã hội.
Điều đáng quan tâm hơn nữa là trong các đợt TGPL lưu động, với hình thức tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, nhiều vướng mắc pháp luật từ thực tế cuộc sống đã được người dân đưa ra trao đổi. Qua đó không chỉ giải tỏa trực tiếp cho chính người được hỏi, mà còn nhằm giúp cho nhiều người tham dự cùng nắm bắt các quy định của pháp luật. Một số vấn đề tưởng như không còn tồn tại trong nhận thức của người dân, nhưng hiện nay vẫn đang làm cho không ít người phải lo sợ. Đó là có nhiều ý kiến cho rằng tài sản của cha mẹ không được để lại cho con gái. Nếu không có con trai, thì nhà cửa, ruộng vườn phải để lại cho các cháu trai, trông nom cũng giỗ ! Thậm chí, nhà chỉ một mẹ già và vợ chồng người con gái, nhưng bà mẹ lo sợ khi chết đi cháu gọi bằng cô đến đuổi vợ chồng con mình ra khỏi nhà để lấy nơi thờ cúng…! Một trong những vấn đề không kém phần nhứt nhói hiện nay là tình trạng bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ bị bạo hành. Với nhiều kiểu bạo lực khác nhau, người phụ nữ trong gia đình tan vỡ hạnh phúc chỉ còn biết ra đi với “hai bàn tay trắng”, mặc dù tài sản cả đời tích cóp để lại không được chia chút nào! Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện đau lòng, chỉ vì đất đai ngày càng có giá ! Đạo lý làm người thế nào mà giữa chú, bác ruột, cha, con, mẹ con…phải đưa nhau ra tòa, chỉ vì mảnh đất…không biết nói….Bên cạnh đó, với nhiều nguyên nhân một khi bị vướng vào vòng lao lý, thì chính bản thân con người đó, rất khó có thể biện minh cho hành vi của mình mặc dù có thể là những tác động do khách quan đem đến. Do vậy trong nhiều trường hợp nếu không có người bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng thì nhiều lúc quyền lợi dễ bị xâm hại. Trợ giúp pháp lý đã góp phần lấp “lỗ hổng” này trong thực tiễn cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, không phải người dân không muốn tìm đến với các Luật sư, nhưng một phần sợ tốn tiền, nhưng điều quan trọng là nhiều người chưa quen với cách ứng xử như vậy. Do vậy thà rằng cứ để sự việc diễn ra sao thì biết vậy, chẳng ai biết phải làm gì một khi vướng phải chuyện pháp đình. Đối với các địa phương ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc tuy chưa có thống kê về các tập tục lạc hậu được xóa bỏ như thế nào, song bước đầu có thể nói việc thực hiện TGPL đã dần khỏa lấp đi những hủ tục lạc hậu, từng bước thay thế vào đó các quan hệ pháp luật trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh .
Huỳnh Văn Chưa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét