Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Trợ giúp Pháp lý... đôi điều suy nghĩ


Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có mặt tích cực là thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhưng có mặt tiêu cực là làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, các vùng lãnh thổ và các nhóm xã hội.
Khoảng cách giàu nghèo về kinh tế tất yếu dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa…và đặc biệt là việc tiếp cận với các dịch vụ pháp lý. Nên trong nhiều trường hợp không được tư vấn pháp luật hoặc không mời được luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại, dễ bị thiệt thòi về quyền lợi hợp pháp của mình. Mặt khác, trong điều kiện hệ thống pháp luật nước ta đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung thì việc người dân tiếp cận với pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, để xử sự phù hợp với pháp luật trong các quan hệ xã hội hàng ngày không phải dễ dàng. Tổ chức TGPL của nhà nước ra đời đã tạo cơ chế cần thiết để người nghèo, người có công với cách mạng có được điều kiện và hoàn cảnh tương tự như người khác trong việc tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật và góp phần thực hiện công bằng xã hội. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

          Với ý nghĩa trên cho thấy công tác TGPL có một vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Tuy vậy, nếu những người làm công tác TGPL chưa “quán triệt” được đầy đủ vị trí, ý nghĩa, mục đích và nhất là nội dung thể hiện trong các hoạt động TGPL, chẳng những không “trợ giúp” được gì, ngược lại có thể gây không ít phiền phức từ nhiều phía.
          Theo quy định của pháp luật về TGPL, có thể nói tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại đều được TGPL. Bên cạnh đó, yêu cầu của người được TGPL rất đa dạng, phong phú. Tổ chức và con người thực hiện TGPL không thể nào cùng lúc đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của người được TGPL. Ngược lại không vì khó khăn, phức tạp mà từ chối hay “tư vấn” cho xong việc. Đối với một số trường hợp, nếu chỉ dừng lại ở phần giải đáp, hướng dẫn một cách chung nhất cũng gọi là thực hiện TGPL, thì chưa thể gọi là đã có chất lượng hay đạt được hiệu quả của công tác TGPL. Mặt khác, nếu đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, từng công việc cụ thể để đáp ứng yêu cầu và làm hài lòng người được TGPL, thì TGPL có thể lại sa vào việc xử lý hay giải quyết yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong thực tế, để giải quyết hài hòa mối quan hệ này cũng không đơn giản chút nào. Một người thuộc diện  “người tàn tật cô đơn, không nơi nương tựa” đến với tổ chức TGPL chỉ với hai bàn tay trắng. Không giấy tờ tùy thân, đề nghị được “trợ giúp” làm thế nào để có được các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp! Cần biết rằng, trước khi đến với tổ chức thực hiện TGPL, họ đã đi đến các cơ quan có thẩm quyền liên quan về hộ tịch, hộ khẩu cũng đã nhờ một số người quen biết giúp đỡ…nhưng kết quả bằng không! Nếu tổ chức và người thực hiện TGPL chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục của các loại giấy tờ tùy thân, chẳng khác nào cũng như “câu chuyện làm quà”! Hoặc có trường hợp người được TGPL đề nghị được trợ giúp khiếu nại về đất đai. Chiếu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo tổ chức và người thực hiện TGPL chỉ việc hướng dẫn hay viết đơn khiếu nại giúp có thể đã hoàn thành việc thực hiện TGPL…Điều này dễ dẫn đến hậu quả là TGPL đâu không thấy, chỉ thấy sau đó toàn là đơn “giúp người dân đi kiện chính quyền”! Do vậy, khi tổ chức và người thực hiện TGPL chưa “quán triệt” được đầy đủ vị trí, ý nghĩa, mục đích và nhất là tìm hiểu kỹ nội dung, yêu cầu của người được TGPL, thêm vào đó nếu thiên về cảm nghĩ cá nhân, dễ dẫn đến những hiện tượng trên.
          Để đảm bảo việc thực hiện TGPL có chất lượng, hiệu quả yêu cầu tổ chức và người thực hiện TGPL phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc hoạt động TGPL. Đó là: “…Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; Tuân thủ pháp luật và quy tắt nghề nghiệp trợ giúp pháp lý…” Trên cơ sở đó, tổ chức và người thực hiện TGPL sử dụng các biện pháp và hình thức TGPL cho phù hợp. Tuy nhiên, để có thêm sự “sáng suốt” trong việc sử dụng các biện pháp và hình thức TGPL cho phù hợp với yêu cầu của người được TGPL, điều cần có trước hết đối với tổ chức và người thực hiện TGPL là phải xác định đúng đắn vị trí, ý nghĩa, mục đích của hoạt động TGPL nhà nước và “cái tâm” của người thực hiện TGPL.../.
           VÂN ANH
   ( Huỳnh Văn Chưa, Trung tâm TGPLNN tỉnh Bình Định )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét